Lịch Sử Hơn 120 Năm Phát Triển Của Gibson Cùng Những Cây Guitar Huyền Thoại

Khi nhắc đến những mảnh ghép đã góp phần định hình nên âm thanh của Rock & Roll, chắc hẳn không thể bỏ sót những cây guitar huyền thoại đến từ Gibson. Đó là chất âm của Jimmy Page với Led Zeppelin, của Slash cùng Guns N' Roses, của Angus Young với AC/DC hay Eric Clapton thời kỳ Cream. Với hơn 120 năm lịch sử, Gibson không chỉ đơn thuần là một thương hiệu sản xuất đàn, nó còn là một phần quan trọng trong câu chuyện âm nhạc toàn cầu, đặc biệt là đối với Rock & Roll
Sự ra đời của Gibson
Vào khoảng năm 1880, Orville Gibson chuyển từ New York đến Kalamazoo, Michigan, và bắt đầu chế tạo các nhạc cụ mandolin và guitar với phương pháp độc đáo: không sử dụng thanh giằng bên trong, mà thay vào đó, ông khắc chạm mặt trên và mặt dưới của đàn từ gỗ nguyên khối. Năm 1902, ông thành lập Công ty Sản xuất Mandolin-Guitar Gibson, đặt nền móng cho một thương hiệu huyền thoại về sau.
Những Thiết Kế Để Đời
Acoustic guitar
Sự phổ biến ngày càng tăng của guitar đã khiến Gibson tập trung toàn bộ nỗ lực vào nhạc cụ này trong những năm 1930, dẫn đến sự ra đời của những cây acoustic guitar mà về sau được coi như “chén thánh” trong giới âm nhạc và guitar toàn cầu.
Năm 1934, Gibson giới thiệu hai mẫu sản phẩm kinh điển: Jumbo flat-top, cùng với Advanced Jumbo (1936) và J-45 (1942), đã định hình phong cách slope-shouldered đặc trưng của Gibson sau này; và Super 400, cây đàn archtop acoustic cao cấp nhất của hãng, là cây đàn “lớn nhất” và hào nhoáng nhất vào thời điểm ra mắt. Trong khi đó, J-200 (1938) cũng là một dòng flat-top lâu đời khác của Gibson với thiết kế eo thon hẹp, thường được gọi theo tên ban đầu của nó là Super Jumbo. Đến thời điểm này, Gibson đã dần vươn lên trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường guitar tại Mỹ.
Những mẫu Guitar điện đầu tiên
Vào cuối năm 1935, Gibson giới thiệu bộ sản phẩm EH-150 bao gồm đàn steel và ampli, đánh dấu bước đi đầu tiên của họ vào thị trường electric instrument. Mẫu ES-150 ra mắt sau đó vào cuối năm 1936 đã khởi đầu cho lịch sử ấn tượng của Gibson trong thế giới guitar điện.
Đây cũng là sự khởi đầu của dòng sản phẩm ES trường tồn của Gibson, trong đó ES là viết tắt của Electric Spanish – với từ “Spanish” chỉ những cây guitar được chơi theo phong cách mà chúng ta hiện nay coi là kiểu chơi thông thường, trái ngược với phong cách steel guitar Hawaiian chơi trên đùi.
Sự ra đời của huyền thoại Les Paul
Khi Fender bắt đầu khuấy động thị trường guitar điện với thiết kế solidbody hiện đại ở bờ Tây, điều đó đã không thể thoát khỏi tầm mắt của ban lãnh đạo Gibson. Nhận thấy xu hướng đang dịch chuyển, chủ tịch Ted McCarty đã nhanh chóng bắt tay với Les Paul – một trong những guitarist đình đám nhất nước Mỹ thời điểm đó – để cùng phát triển mẫu solidbody Spanish đầu tiên của Gibson.
Năm 1952, cây Gibson Les Paul đầu tiên chính thức ra đời. Với mặt đàn được chạm khắc tinh xảo và lớp sơn vàng Goldtop sang trọng, mẫu đàn này mang đậm dấu ấn thủ công truyền thống của Gibson – như một lời khẳng định khác biệt so với triết lý thiết kế đơn giản và “thẳng thắn” của Fender ở bên kia chiến tuyến.
Dòng Les Paul tiếp tục được mở rộng với ba phiên bản kinh điển: Custom và Junior (1954), cùng Special (1955). Đặc biệt, từ năm 1958 đến 1960, phiên bản Goldtop nổi tiếng đã được chuyển sang lớp sơn sunburst - tạo nên một diện mạo mới mang tính biểu tượng cho dòng đàn này về sau. Les Paul, không cần bàn cãi thêm - chắc chắn là 1 trong 2 dáng đàn guitar điện nổi tiếng nhất (bên cạnh dáng strat của Fender)
Tune-o-matic – bước tiến lớn về thiết kế ngựa đàn (bridge)
Năm 1953, Gibson giới thiệu Tune-o-matic, cây cầu ngựa đầu tiên của hãng cho phép tinh chỉnh toàn diện, ban đầu được lắp trên các mẫu archtop cao cấp. Chỉ một năm sau, nó xuất hiện trên mẫu Les Paul Custom mới ra mắt – đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong thiết kế bridge của Gibson nói riêng và toàn bộ giới guitar điện nói chung.
Tune-o-matic hoạt động cùng với một ngựa đàn dạng thanh (bar tailpiece), mang lại khả năng điều chỉnh độ cao tổng thể thông qua hai bánh xe nhỏ. Đặc biệt, sáu ngựa đồng riêng biệt được gắn vít điều chỉnh giúp người chơi lần đầu tiên có thể tinh chỉnh chiều dài dây đàn trên một cây Gibson – cải thiện đáng kể độ chuẩn xác về cao độ (intonation). Đến tận hôm nay Tune-o-matic vẫn là một thiết kế bridge được yêu thích và ứng dụng rộng rãi trên nhiều mẫu guitar điện.
Explorer & Flying V – Những biểu tượng vượt thời đại
Trước năm 1958, khi nhắc đến guitar điện, người ta vẫn hình dung đến những dáng đàn mềm mại, uyển chuyển – giữ lại phần nào bóng dáng của guitar cổ điển. Nhưng Gibson đã phá vỡ mọi khuôn mẫu ấy khi tung ra hai thiết kế gây “chấn động” vào giai đoạn 1958: Flying V và Explorer – với thân đàn góc cạnh, đường nét thẳng dứt khoát, gần như đi ngược hoàn toàn với triết lý thẩm mỹ lúc bấy giờ.
Với thiết kế như đến từ tương lai, Flying V và Explorer không chỉ định nghĩa lại cách nhìn nhận về hình thức của guitar điện, mà còn đặt nền móng cho một thế hệ nhạc cụ mang tính sưu tầm về sau. Tuy nhiên, tại thời điểm ra mắt, hai mẫu đàn này lại… thất bại toàn tập.
Phải nhiều năm sau, chính những tay guitar và nhà thiết kế của tương lai mới nhìn ra tiềm năng vượt thời gian của chúng – biến Flying V và Explorer thành hai trong số những cây đàn biểu tượng, gắn liền với hình ảnh của những tay guitar đình đám như Albert King James Hetfield (Metallica) hay The Edge (U2).
Cuộc cách mạng mang tên ES-335
1958 quả là một năm tuyệt vời của Gibson và của cả lịch sử guitar thế giới. Bên cạnh Flying V và Explorer, Gibson một lần nữa tạo dấu ấn khi cho ra đời một thiết kế gần như chưa có mặt trên thị trường vào thời điểm ấy: ES-335 – cây semi-hollow electric guitar với dáng double-cutaway, kết hợp giữa sự ổn định của solidbody và độ ngân vang tự nhiên của hollowbody.
Cấu trúc của ES-335 nằm chính giữa ranh giới của hollowbody và solidbody – nhờ một khối gỗ maple đặc chạy dọc xuyên suốt phần thân đàn. Thiết kế này giúp ES-335 vừa giữ được độ ngân vang, độ “thoáng” đặc trưng của guitar thùng, vừa giảm thiểu tiếng hú (feedback) và tăng độ ổn định như một cây solidbody thực thụ. Chính sự kết hợp tưởng chừng đối lập này đã làm nên một trong những thiết kế đột phá và được yêu thích nhất của Gibson trong hơn 60 năm sau đó.
Từ blues, jazz cho tới classic rock, ES-335 luôn có một vị trí riêng biệt nhờ chất âm hybrid vừa dày dặn, vừa linh hoạt – là cây đàn yêu thích của Chuck Berry, B.B King, Noel Gallagher hay Dave Grohl.
SG - Kẻ thay thế Les Paul?
Vào đầu những năm 60, Gibson giới thiệu thiết kế solidbody SG mới vì họ cho rằng những mẫu Les Paul ban đầu đã lỗi thời và cần phải có sự thay thế. Dù giờ đây chúng ta biết rằng Gibson đã sai, nhưng quyết định đó lại vô tình có ảnh hưởng lớn đối với các tay guitar ngày nay.
Ra mắt vào cuối năm 1960 - đầu 1961, SG – viết tắt của "Solid Guitar" là mẫu đàn mang kiểu dáng phá cách với các đường bo vát mạnh, góc cạnh sắc sảo, thiết kế double-cut sâu cho phép người chơi tiếp cận dễ dàng đến những phím cao nhất – điều mà dòng Les Paul truyền thống gặp nhiều hạn chế.
Như đã nói, thời điểm ấy Gibson cho rằng thiết kế single-cut của Les Paul đã “lỗi thời” và quyết định để SG thay thế toàn bộ dòng Les Paul cũ. Điều này khiến hai mẫu SG đầu tiên lúc đó vẫn mang tên Les Paul Standard và Les Paul Custom . Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bản thân Les Paul và cây SG không kéo dài: đến năm 1963, Gibson chính thức bỏ tên Les Paul khỏi dòng SG, định vị lại dòng sản phẩm này với các phiên bản như: SG TV, SG Junior, SG Special, SG Standard và SG Custom.
May mắn thay, sau tất cả, bộ đôi Les Paul và SG đều tồn tại song song, trở thành hai “thái cực” không thể thiếu trong lịch sử Gibson: một bên là sự dày dặn, cổ điển; một bên là sự thanh thoát và nổi loạn. Không thể không kể đến những cái tên như Angus Young (AC/DC), Tony Iommi (Black Sabbath) hay Jimmy Page– những người đã góp phần đưa SG trở thành biểu tượng “máu lửa” của Rock & Roll.
Firebird – Cú cất cánh “ngược đời” của Gibson
Năm 1963, Gibson một lần nữa quyết định phá vỡ mọi giới hạn trong thiết kế guitar với dòng Firebird, được thiết kế bởi Ray Dietrich – một nhà thiết kế ô tô lừng danh. Từ Firebird I, III, V đến VII, tất cả đều chia sẻ chung ngôn ngữ thiết kế độc đáo: thân đàn đối xứng đảo ngược (reverse body) và đặc biệt là cấu trúc neck-thru-body – cần đàn liền khối chạy xuyên qua thân thay vì cần dán (set neck) truyền thống của Gibson.
Dù hoàn thiện tiêu chuẩn là sunburst, Gibson sau đó đã táo bạo “vay mượn” ý tưởng custom finish từ đối thủ Fender, mang đến những màu sắc độc đáo như Cardinal Red, Frost Blue, Inverness Green metallic... – điều hiếm khi thấy trước đó trong các dòng solidbody của hãng.
Tuy nhiên, những trục trặc trong sản xuất đã buộc Gibson phải thiết kế lại Firebird vào năm 1965, với dáng thân khác biệt hoàn toàn (sau này được gọi là non-reverse) và trở lại với cấu trúc cần dán thông thường. Dù không phải thành công ngay từ đầu, nhưng Firebird vẫn trở thành một biểu tượng độc đáo, được yêu thích bởi những tay guitar như Johnny Winter, Allen Collins (Lynyrd Skynyrd), Brian Jones (The Rolling Stones)
Gibson – Hơn 130 năm gắn bó cùng dòng chảy âm nhạc thế giới
Không chỉ là một thương hiệu guitar, Gibson đã trở thành biểu tượng gắn liền với lịch sử phát triển của âm nhạc hiện đại. Từ rock & roll, blues, jazz, đến metal, country, pop,... Gibson chưa bao giờ đứng ngoài cuộc chơi - nó vẫn luôn là một phần trung tâm của nhiều sân khấu lớn nhỏ, góp mặt trong những bản thu vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc.
Những cây Les Paul, SG, ES-335 hay Flying V không chỉ góp phần định hình nên âm thanh đặc trưng của từng dòng nhạc mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ nghệ sĩ lẫy lừng. Gibson không tự tạo ra âm nhạc, nhưng nó là lựa chọn yêu thích của vô số nghệ sĩ, giúp họ kể những câu chuyện âm nhạc của riêng mình – và chính những câu chuyện đó đã làm nên lịch sử.
Những tượng đài từng chạm tay vào Gibson guitar là không thể đếm xuể: Jimmy Page, Slash, Eric Clapton, Tony Iommi, BB King, Chuck Berry, Joe Perry, Zakk Wylde, đến Gary Moore, Angus Young, hay cả những tên tuổi hiện đại như Derek Trucks,... – tất cả đều từng và vẫn đang để lại dấu ấn với những cây guitar đến từ Gibson. Với hơn một thế kỷ hiện diện, Gibson không đơn thuần là một nhà sản xuất nhạc cụ, nó chính là người truyền cảm hứng, là người bạn đồng hành của những giấc mơ âm nhạc vĩ đại nhất!
Tone Lab chào đón huyền thoại Gibson
Tin vui cho cộng đồng guitarist Việt Nam: nhiều mẫu đàn Gibson sắp tới sẽ có mặt tại Tone Lab! Đây là cơ hội để bạn trực tiếp trải nghiệm và sở hữu những cây đàn huyền thoại, mang theo cả chiều dài lịch sử và chất âm đã định hình âm nhạc thế giới. Hãy theo dõi Tone Lab để cập nhật những thông tin mới nhất!