Blog

[Phần I] Gibson Les Paul: Hành trình và di sản

[Phần I] Gibson Les Paul: Hành trình và di sản

Khi nhắc đến solid-body guitar, thì bên cạnh những cái tên huyền thoại như Telecaster hay Stratocaster của Fender, không thể không kể đến đối thủ không hề kém cạnh - Gibson Les Paul. Đây không chỉ là một cây đàn đơn thuần, mà là một biểu tượng trường tồn trong thế giới âm nhạc hiện đại. Trong cả một hành trình dài, Les Paul đã trở  thành một mẫu đàn có sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc, một biểu tượng của nền văn hoá âm nhạc trên toàn thế giới.

Trong bài viết hôm nay, Tone Lab sẽ cùng bạn khám phá lịch sử hình thành, phát triển và di sản vĩ đại này.

LES PAUL VÀ KHỞI NGUỒN VỚI "THE LOG"

Lester William Polsfuss – sinh năm 1915 – là một nghệ sĩ có tư duy đổi mới vượt thời đại. Đến năm 1938, ông chính thức đổi tên thành Les Paul – một cái tên ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với ngành giải trí hơn. Khi đó, ông đang dẫn dắt một ban nhạc tam tấu biểu diễn trên các chương trình radio giờ vàng, trở thành một gương mặt quen thuộc với công chúng Mỹ. Ban đầu, ông chơi guitar acoustic, nhưng nhanh chóng bị hấp dẫn bởi các mẫu guitar điện hollow-body của Gibson.

Tuy nhiên, Les vẫn chưa hài lòng. Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó, ông chia sẻ: "Tôi đã hình dung ra một cây guitar có thể giữ âm thật lâu và tái hiện chính xác âm thanh của dây đàn – không bị biến dạng, không bị thay đổi tiếng". Đây là khởi đầu cho một cuộc hành trình kỹ thuật đầy đột phá.

Vào mỗi dịp cuối tuần, Les dành thời gian làm việc tại nhà máy Epiphone – nơi ông tự tay chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của mình. Kết quả là một cây đàn được ông đặt tên "The Log" – vì có phần lõi là một khúc gỗ thông 4x4 chạy dọc theo thân đàn. Thiết kế này cho phép gắn trực tiếp pickup và bride đàn vào phần gỗ đặc, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng cộng hưởng không mong muốn của thùng đàn rỗng. Phần thân gắn hai bên chỉ mang tính thẩm mỹ, nhằm khiến cây đàn trông giống guitar truyền thống hơn.

Với nguyên mẫu đó trong tay, Les hướng sự chú ý đến Gibson – công ty sản xuất guitar lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Ông hy vọng hãng sẽ nhìn thấy tiềm năng của thiết kế solid-body này và đồng ý đưa nó vào sản xuất.

Sơ lược về, Gibson được thành lập vào năm 1902 tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan, và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất nhạc cụ thành công nhất thời bấy giờ. Từ những năm 1920 đến thập niên 1930, các mẫu đàn của Gibson dần chiếm lĩnh thị trường, được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại nhạc khác nhau nhờ vào chất lượng chế tác tinh xảo và âm thanh đặc trưng.

Đến năm 1944, Công ty Nhạc cụ Chicago (Chicago Musical Instrument Company - CMI) đã mua lại quyền kiểm soát Gibson. Sau thương vụ này, chủ tịch của CMI là Maurice Berlin đã quyết định chuyển bộ phận hành chính của Gibson từ Kalamazoo về Chicago để thuận tiện hơn trong việc điều hành và giám sát hoạt động kinh doanh.

Vào khoảng năm 1946, Les Paul – khi ấy vẫn là một nghệ sĩ trẻ đầy khát vọng – đã được sắp xếp một cuộc gặp gỡ với ông Berlin để trình bày ý tưởng về cây guitar solid-body mà ông đã dành nhiều tâm huyết phát triển. Dù được lắng nghe một cách lịch sự, nhưng ý tưởng này không được coi trọng. Nhớ lại sau này, Les kể lại rằng: "Họ đã cười nhạo cây đàn đó."



Trong vài năm tiếp theo, tên tuổi của Les Paul đã trở nên nổi tiếng trên toàn nước Mỹ. Cùng thời điểm đó, ông bắt đầu những thử nghiệm mới trong lĩnh vực thu âm – điều mà rất ít người vào thời bấy giờ từng nghĩ đến. Tại gara được cải tạo thành phòng thu tại nhà ở Hollywood, California, Les đã tiên phong phát triển hệ thống ghi âm multitrack đầu tiên, một kỹ thuật hoàn toàn mới vào cuối thập niên 1940. Bằng cách vận hành đồng thời hai máy tape recorder, ông có thể ghi đè nhiều lớp guitar một cách chính xác và đồng bộ. Đáng chú ý, ông còn sử dụng kỹ thuật thay đổi tốc độ băng (tape speed manipulation) để tạo ra những đoạn lead có tần số cao và tốc độ cực nhanh – điều gần như không thể thực hiện được bằng kỹ thuật chơi tay thông thường. Với giới thu âm hiện đại, multitrack là một tiêu chuẩn, nhưng vào thời điểm đó, phát minh này của Les Paul đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lĩnh vực ghi âm và sản xuất âm nhạc.

Vào cuối năm 1949, Les Paul bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp và đời sống cá nhân khi kết hôn với ca sĩ Mary Ford. Họ tổ chức lễ cưới vào tháng 12 năm đó, đánh dấu sự khởi đầu của một trong những cặp đôi có sức ảnh hưởng lớn nhất trong làng âm nhạc Mỹ thập niên 1950. Sau hàng loạt bản thu lọt Top 30, cặp đôi Les Paul và Mary Ford đạt đến đỉnh cao vào tháng 4 năm 1951 với bản hit đứng đầu bảng xếp hạng: "How High the Moon". Họ xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, sở hữu một show radio riêng, và từ năm 1953 đến 1955, cặp đôi còn có chương trình truyền hình riêng được phát sóng trực tiếp từ biệt thự xa hoa tại Mahwah, New Jersey.

Dĩ nhiên, trong cùng thời kỳ này, không chỉ mình Les Paul theo đuổi ý tưởng về solid-body guitar. Những tên tuổi lớn sau này như Paul Bigsby và Leo Fender tại California cũng đang âm thầm phát triển các thiết kế tương tự. Ý tưởng guitar solid-body trở nên cực kỳ hấp dẫn vì chúng giải quyết được vấn đề feedback mà những cây đàn hollow-body gặp phải ở các sân khấu có âm lượng lớn. Hơn nữa, solid-body guitar lại dễ chế tạo hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, và quan trọng nhất – chúng cung cấp độ sustain vượt trội cùng khả năng tái tạo sự rung động của dây đàn một cách chính xác. Đó cũng chính là lý tưởng âm thanh mà Les Paul từng theo đuổi với nguyên mẫu "The Log" của ông.

SỰ KHAI SINH CỦA GIBSON LES PAUL

Thành công vang dội của Fender với hai mẫu guitar thân đặc là Esquire và Broadcaster vào năm 1950 đã tạo ra làn sóng mới trong ngành công nghiệp nhạc cụ. Cùng thời điểm đó, Ted McCarty được bổ nhiệm làm Chủ tịch Gibson. Trong bối cảnh nhiều hãng sản xuất phải ngừng hoạt động trong Thế chiến II, trong đó Gibson cũng từng tạm ngưng phần lớn dây chuyền sản xuất. Việc McCarty lên nắm quyền là một phần trong chiến lược tái thiết toàn diện nhằm đưa Gibson trở lại vị thế dẫn đầu.

Từ đây bắt đầu hai phiên bản khác nhau về câu chuyện ra đời của nguyên mẫu Les Paul – một từ góc nhìn của Ted McCarty và một từ chính Les Paul.

Theo lời kể của Ted McCarty, sau khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Fender với các mẫu Esquire và Broadcaster, ông đã nhanh chóng thành lập một nhóm nghiên cứu tại Gibson – trong đó có cả chính ông – để bắt tay vào khám phá tiềm năng của một cây guitar solid-body. Họ hiểu rằng việc chế tạo một cây đàn thân đặc đặt ra những thách thức kỹ thuật khác biệt hoàn toàn so với những dòng archtop và hollow-body mà Gibson vốn nổi tiếng. Nhưng thay vì né tránh, họ bắt đầu ngay lập tức. Trong khoảng một năm phát triển nguyên mẫu, nhóm khá hài lòng với gần như mọi yếu tố – ngoại trừ một vấn đề vẫn còn tồn tại: thời gian sustain chưa đạt như mong muốn.

McCarty nhớ lại: “Chúng tôi nghĩ rằng mình đã có một mẫu đàn đủ tốt, và giờ chỉ cần một lý do đủ mạnh để đưa nó ra thị trường. Tôi nghĩ ngay đến Les Paul và Mary Ford – họ đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có lẽ là cặp đôi biểu diễn ăn khách nhất nước Mỹ lúc ấy. Họ kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm. Biết rõ họ, tôi quyết định sẽ đưa cây đàn cho họ xem.”

Tuy nhiên, Les Paul lại có ký ức khác. Theo ông, chính Gibson đã chủ động liên hệ vào đầu năm 1951 theo yêu cầu của Maurice Berlin – người đã chỉ đạo: “Tìm gã với cây đàn Log kỳ quặc – cái cây đàn giống cán chổi gắn pickup ấy.”

Les kể lại với một chút hài hước: “Ngay khi họ biết Fender đang làm gì, họ tìm đến tôi ngay lập tức. Tôi chỉ bảo họ: ‘Các anh hơi chậm trễ đấy – nhưng được thôi, bắt đầu đi.’”

Một cuộc họp nhanh chóng được tổ chức tại trụ sở ở Chicago, với sự có mặt của Berlin, các giám đốc điều hành và luật sư. Thỏa thuận được ký kết ngay sau đó. Theo lời Les, hai bên đã cùng nhau hoàn thiện các chi tiết cụ thể của thiết kế mới và quá trình nghiên cứu phát triển mẫu đàn chính thức được bắt đầu từ thời điểm đó.

Dù là theo lời kể của McCarty hay Les Paul, thì sau khi nguyên mẫu đầu tiên được hoàn thiện, một cuộc gặp chính thức đã được sắp xếp tại một khu nhà nghỉ săn bắn gần Stroudsburg, Pennsylvania, vào cuối năm 1951 hoặc đầu năm 1952. Les và Mary khi đó đang lưu trú tại đây để thu âm trong không gian yên tĩnh giữa thiên nhiên rừng núi. McCarty cùng đội ngũ kỹ thuật của Gibson đã mang nguyên mẫu đầu tiên đến để trình diễn trực tiếp cho Les.

Theo Les, đó là lần đầu tiên ông tận tay cầm và thử nghiệm mẫu đàn mới. Cả Les và McCarty đều không nhớ rõ chi tiết cấu hình, nhưng họ đồng ý rằng nguyên mẫu đó rất gần với phiên bản sản xuất đầu tiên – chỉ khác biệt có thể nằm ở phần tailpiece truyền thống và bridge tách rời.

Trước khi rời buổi gặp, đôi bên đã thống nhất một hợp đồng độc quyền cho Les và Mary: họ sẽ là những nghệ sĩ đầu tiên công khai sử dụng cây đàn mới, và nếu bị phát hiện chơi một cây đàn khác, họ sẽ mất toàn bộ khoản thù lao đã thỏa thuận. Và chính từ đó, vào năm 1952, mẫu đàn mang tên Gibson Les Paul chính thức chào đời.

Buổi ra mắt chính thức của cây đàn được lên kế hoạch vào kỳ triển lãm mùa hè NAMM tại New York. Tuy nhiên, trước khi sự kiện chính diễn ra, Gibson đã tổ chức một buổi giới thiệu riêng tư tại khách sạn Waldorf Astoria – một hội thảo tiền-NAMM nhằm trình diễn mẫu đàn mới cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người khi đó không được phép tham dự NAMM. Mục tiêu rất rõ ràng: gây ấn tượng với giới chơi nhạc chuyên nghiệp bằng những mẫu nhạc cụ mới nhất của hãng, đặc biệt là cây đàn electric guitar mới mang tên Les Paul. Cùng lúc, ampli mới Les Paul GA-40 cũng được giới thiệu.

Nhiều tên tuổi nổi bật trong giới guitar khi đó đã có mặt tại buổi giới thiệu này, trong đó có Tiger Haynes, Mundell Lowe và George Barnes. Họ là những người đầu tiên được tận tay cầm thử cây đàn sở hữu thân bằng gỗ mahogany đặc kết hợp mặt top bằng gỗ maple chạm khắc. Sự kết hợp này mang lại chất âm cân bằng: gỗ mahogany cho âm trầm dày và ấm, còn maple mang lại độ sáng và cắt tốt trong dải cao.

Phần lớn các đặc điểm kỹ thuật trên Les Paul mới không phải là hoàn toàn mới mà kế thừa từ các dòng Gibson trước đó: hệ thống 2 volume, 2 tone đã có mặt trên L-5 CES và Super 400 CES; thiết kế single cutaway và cần đàn gắn liền đã được áp dụng từ lâu; các họa tiết inlay hình vương miện từng xuất hiện trên mẫu ES-150 từ năm 1950; độ dài scale 24¾ inch cũng đã từng được dùng trên nhiều mẫu guitar acoustic của Gibson.

Một điểm đáng chú ý khác là phần mặt top chạm khắc – đây là một bước đi chiến lược của McCarty nhằm phân biệt Les Paul với Fender Telecaster. Bởi lẽ, họ biết rõ tại thời điểm đó, Fender không có hệ thống máy móc để chế tác mặt đàn dạng carved top, và Gibson tận dụng lợi thế này để tạo ra sự khác biệt rõ rệt cả về thị giác lẫn cấu trúc âm thanh. Rõ ràng, Gibson đang hướng đến việc cạnh tranh trực tiếp với phân khúc guitar solid-body mà Fender vừa khai phá thành công.

NHỮNG CẢI TIẾN VÀ PHIÊN BẢN MỞ RỘNG CỦA LES PAUL

Màu sắc đầu tiên của những cây Gibson Les Paul sản xuất năm 1952 là lớp sơn vàng kim loại đặc trưng, được gọi là “Goldtop”. Đây là màu duy nhất được áp dụng cho dòng Les Paul trong giai đoạn đầu, từ năm 1952 đến 1957. Một số ít mẫu Les Paul đầu tiên còn có lớp sơn vàng phủ toàn bộ thân đàn và cần đàn, nhưng phần lớn các cây đàn chỉ có mặt top được sơn vàng, trong khi phần lưng và cần đàn giữ nguyên màu gỗ tự nhiên.

Lớp sơn Goldtop không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn giúp che giấu cấu trúc mặt đàn bằng gỗ maple ghép nhiều mảnh, một yếu tố kỹ thuật mà Gibson muốn giữ kín trước đối thủ cạnh tranh.

Màu sơn vàng biểu tượng của Les Paul "Goldtop" thực chất bắt nguồn từ một đề xuất đầy nhân văn của chính Les Paul. Ông đã đề nghị Gibson làm một cây đàn đặc biệt để tặng cho một bệnh nhân mắc bệnh nan y mà ông từng gặp trong một buổi biểu diễn tại bệnh viện. Món quà mang ý nghĩa cá nhân này đã trở thành một trong những mặt top có dấu ấn kinh điển nhất trong lịch sử phát triển dòng Les Paul. Lớp sơn "Goldtop" được tạo ra bằng cách trộn bột đồng (bronze powder) với sơn bóng nitrocellulose trong suốt. Theo thời gian, khi lớp sơn này bị mài mòn, đồng bị oxy hóa và chuyển sang sắc xanh đặc trưng.

Tuy nhiên, những cây Les Paul đầu tiên vẫn chưa hoàn hảo về mặt cấu trúc. Một lỗi thiết kế ban đầu nằm ở góc nghiêng của cần đàn – nó quá nông. Điều này khiến dây đàn nằm gần như phẳng sát mặt đàn, dẫn đến việc Gibson không thể sử dụng phần cứng truyền thống vốn đã thiết kế cho chiều cao dây tiêu chuẩn. Để khắc phục, họ buộc phải lắp tailpiece theo cách ngược lại với thiết kế ban đầu: thay vì quấn dây đàn vòng lên từ trên xuống, họ phải luồn dây từ phía dưới. Cách làm này tuy giải quyết được vấn đề hành trình dây, nhưng đồng thời lại khiến việc palm mute bằng tay phải trở nên bất khả thi, một điểm vô cùng bất tiện đối với người chơi chuyên nghiệp.

Trong năm 1953, Gibson đã khắc phục những hạn chế còn tồn đọng bằng cách thay thế hệ thống trapeze bridge ban đầu bằng một thiết kế mới – chiếc bridge dạng thanh đơn kết hợp tailpiece, được gọi là "stopbar". Thiết kế này được gắn trực tiếp lên mặt đàn bằng hai trụ điều chỉnh độ cao, giúp cải thiện đáng kể độ ổn định dây, khả năng căn chỉnh và độ sustain. Đồng thời, góc nghiêng cần đàn cũng được điều chỉnh hợp lý hơn. Tất cả những cải tiến này đã biến Les Paul thành một cây đàn dễ chơi hơn rất nhiều, mang lại trải nghiệm âm thanh và cảm giác chơi nhạc vượt trội hơn trước.

Kết quả là Les Paul nhanh chóng trở thành một thành công thương mại lớn. Theo số liệu của Gibson, chỉ riêng trong năm 1953, họ đã bán ra 2.245 cây Les Paul – vượt xa doanh số của mẫu ES-175 với 1.278 cây. Dựa trên đà tăng trưởng ấn tượng này, Gibson quyết định mở rộng dòng sản phẩm vào năm 1954 với hai model mới: Les Paul Custom và Les Paul Junior.

Les Paul Custom với tên gọi sau này là “Black Beauty" được định vị là phiên bản cao cấp hơn so với Goldtop. Cây đàn sở hữu mặt phím bằng gỗ Ebony, phần cứng được mạ vàng, viền đa lớp và màu sơn màu đen sang trọng. Les Paul từng chia sẻ rằng ông chọn màu đen vì khi chơi đàn trong bộ tuxedo hoặc xuất hiện trên TV trắng đen, màu đen giúp bàn tay ông nổi bật hơn. Khác với Goldtop có phần top bằng maple, Les Paul Custom được làm hoàn toàn bằng gỗ mahogany – một lựa chọn mà Les yêu thích hơn vì cho âm thanh trầm ấm hơn.

Tài liệu quảng bá thời đó gọi Custom là "Fretless Wonder" – một biệt danh bắt nguồn từ việc nó sử dụng loại phím đàn thấp và phẳng, cho cảm giác chơi cực kỳ nhanh. Loại phím này được chính Les Paul lựa chọn theo sở thích cá nhân, tuy nhiên không được lòng tất cả người chơi do cảm giác không quen thuộc với nhiều người.

Bên cạnh đó, Les Paul Custom còn là nơi xuất hiện lần đầu của một loại pickup mới ở vị trí neck. Thiết bị này do kỹ sư Seth Lover thiết kế sau khi ông trở lại làm việc tại Gibson sau thời gian phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Pickup này có biệt danh "staple" vì hình dạng nam châm giống như chiếc ghim dập giấy. Seth Lover sử dụng hợp kim nhôm, sắt và nickel làm lõi từ, với mục tiêu tạo ra một chiếc pickup có âm lượng lớn hơn loại P-90 vốn đã phổ biến lúc bấy giờ. Ông chọn hình dáng nam châm chữ nhật đơn giản vì... nó khác biệt.

Quan trọng hơn cả, Custom còn đánh dấu sự ra đời của cây bridge Tune-o-Matic huyền thoại được chính McCarty cấp bằng sáng chế cùng với tailpiece rời, cho phép điều chỉnh intonation từng dây riêng biệt. Thiết kế này về sau cũng được áp dụng cho dòng Goldtop.

Trong khi đó, Les Paul Junior ra đời như một lựa chọn hướng đến người chơi mới bắt đầu. Với mục tiêu đơn giản hóa và hạ giá thành, mẫu Junior có thiết kế mặt đàn phẳng, thân bằng gỗ mahogany nguyên khối, chỉ trang bị một pickup P-90 duy nhất, cùng hệ thống điều khiển đơn giản với một volume và một tone. Phím đàn bằng gỗ rosewood không viền, đánh dấu bằng chấm tròn (dot inlay), và lớp sơn sunburst từ vàng sang nâu quen thuộc của Gibson. Junior cũng sử dụng hệ thống stopbar tailpiece giống như trên các mẫu cao cấp hơn.

Theo bảng giá năm 1954, Les Paul Custom được định giá ở mức 325 đô la, Goldtop ở mức 225 đô la, trong khi Les Paul Junior chỉ có giá 99 đô la – một mức giá cực kỳ cạnh tranh, giúp dòng đàn này nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến trong phân khúc phổ thông.

Sang năm 1955, Gibson tiếp tục mở rộng dòng sản phẩm với mẫu Les Paul TV – về bản chất là một phiên bản của Junior nhưng sở hữu lớp sơn hoàn toàn mới. Màu sắc này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Natural, Limed Oak hay Limed Mahogany. Có nhiều giả thuyết về tên gọi “TV”, nhưng không có bằng chứng nào thực sự chắc chắn. Lý giải phổ biến nhất là lớp sơn này được thiết kế để nổi bật hơn trên các chương trình truyền hình trắng đen. Tuy nhiên, điều này cũng gây tranh cãi – bởi nếu bạn đủ nổi tiếng để lên sóng, bạn có lẽ đang chơi một cây Goldtop hay Custom màu đen. Một khả năng khác là Gibson muốn tận dụng sự nổi tiếng của chương trình truyền hình “Les Paul and Mary Ford” khi đó để đặt tên cho dòng đàn này.

Cùng năm đó, mẫu Les Paul Special được giới thiệu – về cơ bản là phiên bản hai pickup của Junior, sử dụng cùng kiểu sơn TV đặc trưng. Trong catalogue Gibson năm 1955, Special được niêm yết với mức giá 182,50 đô la.

SỰ RA ĐỜI CỦA PICKUP HUMBUCKER VÀ KỶ NGUYÊN ÂM THANH MỚI

Trong phòng thí nghiệm điện tử tại Gibson, kỹ sư Seth Lover được giao nhiệm vụ giải quyết một trong những nhược điểm lớn nhất của pickup P-90: tiếng ù (hum) và nhiễu không mong muốn. Lấy cảm hứng từ choke coil – cuộn lọc âm trong ampli giúp loại bỏ nhiễu từ biến áp – Lover đã nảy ra một ý tưởng táo bạo: "Nếu chúng ta có thể chế tạo cuộn choke khử nhiễu, tại sao không thể tạo ra pickup khử nhiễu?”

Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu và chế tạo các nguyên mẫu đầu tiên. Tên gọi “humbucker” bắt nguồn từ chính cơ chế hoạt động: loại bỏ tiếng hum đặc trưng của pickup single-coil. Về mặt kỹ thuật, humbucker sử dụng hai cuộn dây có từ tính ngược chiều và được mắc ngược pha nhau về điện, từ đó triệt tiêu nhiễu và cho ra âm thanh sạch sẽ, rõ ràng hơn. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc khử hum – humbucker thực sự mang đến một chất âm hoàn toàn mới, thứ âm thanh sau này trở thành đặc trưng của rock và blues hiện đại.

Để giảm thêm nhiễu từ ánh sáng huỳnh quang, Lover thiết kế một lớp vỏ kim loại bao quanh pickup. Tuy nhiên, do không thể hàn vỏ kim loại vào cuộn dây, ông đã chọn hợp kim German Silver – gồm nickel, đồng và kẽm – nhờ khả năng chống nhiễu vượt trội. Ban đầu, các nguyên mẫu chưa có vít chỉnh cao độ (adjustable pole screws), nhưng bộ phận kinh doanh đề xuất thêm vào để tạo thêm yếu tố bán hàng khi tiếp cận các đại lý, và chi tiết này đã được thêm vào trước khi sản xuất hàng loạt.

Vào năm 1957, những chiếc pickup humbucker do Seth Lover phát triển chính thức được đưa vào sử dụng trên các mẫu đàn Gibson Les Paul. Cụ thể, dòng Goldtop và Les Paul Custom đã thay thế hoàn toàn hệ thống pickup P-90 truyền thống bằng những chiếc humbucker mới. Đặc biệt, mẫu Les Paul Custom được nâng cấp thành phiên bản với ba pickup humbucker – mang lại một diện mạo đẳng cấp và dải âm phong phú hơn bao giờ hết.

Những chiếc humbucker đầu tiên này ngày nay được giới chơi nhạc và sưu tầm săn lùng như những báu vật, và được biết đến với tên gọi "PAF" – viết tắt của "Patent Applied For" (đang chờ cấp bằng sáng chế). Mỗi chiếc pickup đều được dán một nhãn nhỏ ở mặt sau để đánh dấu rằng thiết kế vẫn đang trong quá trình xin cấp bằng, càng làm tăng thêm giá trị huyền thoại cho những cây đàn sở hữu chúng.

Thực tế, thiết kế humbucker của Seth Lover không phải là mẫu đầu tiên trong lịch sử pickup khử nhiễu. Và chính vì vậy, trong quá trình đăng ký sáng chế, ông gặp không ít khó khăn trong việc chứng minh tính độc đáo và khác biệt của thiết kế này. Lover đã nộp đơn xin cấp bằng vào tháng 6 năm 1955, nhưng phải đến tháng 7 năm 1959 bằng sáng chế mới chính thức được phê duyệt.

Nhiều người có thể cho rằng, thời kỳ "PAF" – viết tắt của "Patent Applied For" – sẽ kết thúc khi bằng sáng chế được cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhãn PAF vẫn tiếp tục được Gibson dán lên các pickup cho đến tận năm 1962 – nhiều năm sau khi bằng sáng chế đã có hiệu lực. 

Người ta tin rằng Gibson đã cố tình làm điều này để gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh trong việc truy xuất hồ sơ sáng chế chính thức, qua đó ngăn chặn việc sao chép thiết kế humbucker. Vì vậy, họ tiếp tục dán nhãn “PAF” trên các pickup như thể bằng sáng chế vẫn đang trong quá trình xét duyệt – mặc dù thực tế đã được cấp phép. Gibson còn trì hoãn việc in số bằng sáng chế thực lên các pickup cho đến tận năm 1962.

Ngay cả khi họ bắt đầu dán nhãn có số bằng sáng chế, con số đó thực ra lại là mã bằng sáng chế của một loại bridge mà hãng đã sở hữu từ trước – một động thái rõ ràng nhằm đánh lạc hướng và che giấu bản thiết kế humbucker thực sự khỏi tầm mắt của các nhà sản xuất khác.

Mặc cho sự tôn sùng gần như huyền thoại mà giới chơi nhạc dành cho các mẫu pickup PAF, Seth Lover luôn khẳng định rằng các phiên bản humbucker sau này về cơ bản không khác gì so với nguyên bản. Theo ông, điểm khác biệt duy nhất nằm ở các phiên bản mạ vàng – chúng mất đi một phần dải cao (high end) do lớp mạ kim loại dẫn điện tốt làm suy giảm tín hiệu tần số cao. Chính vì sự sáng rõ và cân bằng tần số mà những chiếc PAF đời đầu vẫn luôn được giới sưu tầm đánh giá cao.

Người ta cũng cho rằng không có hai chiếc PAF nào giống hệt nhau, bởi vào thời kỳ đó, chúng không được quấn dây bằng máy có hệ thống đếm vòng tự động. Mỗi pickup có thể khác biệt một chút về số vòng dây và độ chặt, từ đó tạo ra những biến thể nhỏ nhưng ảnh hưởng đến chất âm tổng thể.

Tất nhiên, theo thời gian, vật liệu và quy trình sản xuất đã thay đổi, khiến cho chất âm ban đầu cũng dần biến chuyển. Và từ đó, cả một ngành công nghiệp đã hình thành chỉ để truy tìm và tái tạo lại thứ âm thanh nguyên bản của những chiếc PAF huyền thoại.

ĐỈNH CAO DOANH SỐ VÀ SỰ HỤT HƠI

Doanh số của dòng Les Paul đạt đỉnh vào hai năm 1956 và 1957, trong đó mẫu Les Paul Junior là sản phẩm bán chạy nhất với 3.129 cây được tiêu thụ riêng trong năm 1956. Dù nhu cầu tăng lên rõ rệt, guitar solid-body vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường thời điểm đó do người chơi vẫn còn thói quen gắn bó với đàn hollow-body truyền thống. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hút của những cây Goldtop với vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng – đặc biệt là khi lên sân khấu hoặc xuất hiện trên truyền hình. Trong thập niên 1950, những nghệ sĩ lẫy lừng như Muddy Waters, Guitar Slim, Freddie King, John Lee Hooker hay Carl Perkins đều được bắt gặp biểu diễn với một cây Goldtop trên tay.

Bước sang năm 1958, Gibson bắt đầu tiến hành một loạt thay đổi quan trọng. Các mẫu Junior và TV được cải tiến thành thiết kế thân đàn double cutaway, giúp người chơi tiếp cận các phím cao dễ dàng hơn. Đặc biệt, màu sơn mới "cherry red" rực rỡ cũng được giới thiệu cho mẫu Junior, mở đầu cho một thời kỳ đổi mới không chỉ về công nghệ mà còn cả về thẩm mỹ trong dòng Les Paul.

Ngoài ra, Gibson đã quyết định điều chỉnh nhẹ màu sắc của lớp phủ “cream”  trên các mẫu TV và Special – để khiến nó có sắc vàng rõ nét hơn. Việc thay đổi này không chỉ mang lại diện mạo hiện đại hơn mà còn giúp màu sắc phản chiếu tốt hơn dưới ánh sáng sân khấu và truyền hình trắng đen. Trong khi đó, doanh số của dòng Goldtop bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, buộc Gibson phải hành động. Với mong muốn làm mới thị trường, hãng quyết định thay đổi màu sơn dòng Les Paul này - nay được gọi là “Standard” - từ lớp sơn Goldtop sang lớp sơn sunburst hiện đại và nổi bật hơn.

Theo tư liệu lịch sử, mẫu Standard đầu tiên với lớp sơn sunburst – còn gọi là “Burst” – được xuất xưởng vào ngày 28 tháng 5 năm 1958 vừa kịp thời để ra mắt tại triển lãm NAMM mùa hè năm đó ở Chicago. 

Khác với lớp sơn vàng đục che kín phần mặt top, lớp sơn sunburst mới để lộ vân gỗ maple phía trên. Vì thế, các nghệ nhân tại Gibson phải cẩn trọng hơn trong việc xử lý hai mảnh gỗ maple ghép lại – một kỹ thuật gọi là “bookmatching”, tức là cắt gỗ ở chính giữa rồi mở ra như một cuốn sách để hai mặt vân gỗ phản chiếu nhau một cách đối xứng. Trước đó, Gibson đã từng áp dụng kỹ thuật này cho mặt lưng của các mẫu archtop cao cấp, thường sử dụng những loại gỗ có vân đặc biệt nổi bật để tăng tính thẩm mỹ.

Họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ “figure” được dùng để chỉ những đường vân gỗ nổi bật và hấp dẫn hơn – thường là vân lửa (flamed) hoặc vân gợn sóng (quilted). Một số cây Burst sản xuất trong giai đoạn 1958 đến 1960 sở hữu mặt top với những kiểu vân này, khiến chúng trở thành những mẫu đàn đặc biệt được ưa chuộng và săn đón. Tuy nhiên, mỗi khối gỗ maple đều là duy nhất, và mức độ đặc biệt hay chiều sâu của vân sẽ ảnh hưởng đến độ thẩm mỹ khi phần mặt top được chạm khắc. Vì dòng Les Paul không phải là mẫu bán chạy nhất thời điểm đó, nên Gibson không ưu tiên chọn các phôi gỗ có vân đẹp nhất cho những cây Burst này. Do đó, phần lớn Burst có mặt đàn khá đơn giản. Nếu một cây Burst có mặt top đặc biệt đẹp mắt, thì đó thường là sự tình cờ hơn là chủ đích thiết kế ban đầu.

Trong catalogue năm 1958, mẫu Les Paul Standard với lớp sơn Cherry sunburst mới được niêm yết với giá 247,5 đô la. Tuy nhiên, theo thời gian, lớp sơn ban đầu của những cây đàn này đều bị phai màu với mức độ khác nhau – do bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trong các tủ kính trưng bày, môi trường ẩm ướt, khói thuốc ở hộp đêm, hay chỉ đơn giản là quá trình oxy hóa tự nhiên tại nhà.

Điểm đặc biệt nằm ở thành phần thuốc nhuộm đỏ trong lớp sơn cherry burst – chất liệu này có độ bền ánh sáng rất thấp nên dễ bị bạc màu theo năm tháng. Kết quả là phần mặt top, mặt lưng và cả cần đàn của những cây Burst bị phai màu theo nhiều cách khác nhau. Từ đó tạo nên sự đa dạng về màu sắc mà ngày nay ta thấy trên các bản replica vintage: từ lemon burst, iced tea burst, đến dark burst. Điều thú vị là tất cả các cây Burst ban đầu đều được sơn cùng một màu cherry burst, nhưng mỗi cây lại “lão hóa” theo cách riêng của nó.

Tổng cộng, chỉ có khoảng 1.450 cây Les Paul Burst được sản xuất trong giai đoạn 1958 đến 1960. Ngày nay, chúng được xem là những cây vintage guitar đắt giá và được thèm khát nhất trên thế giới. Trớ trêu thay, trong suốt thời gian được sản xuất, chúng lại không đạt được doanh số cao. Mãi đến giữa và cuối thập niên 1960 – khi dòng nhạc blues rock bắt đầu thống trị sân khấu và nhu cầu về chất âm mạnh mẽ từ humbucker cùng lớp sơn mới lạ tăng cao – các nghệ sĩ mới bắt đầu săn tìm những cây Burst. Sự kết hợp giữa pickup PAF và lớp sơn sunburst độc đáo đã tạo nên “công thức vàng” cho thời kỳ này.

Thêm một chi tiết thú vị của thời kỳ này: nhiều người chơi bắt đầu tháo bỏ lớp vỏ kim loại trên các pickup humbucker để làm nổi bật phần treble hơn trong chất âm. Khi làm điều đó, họ phát hiện rằng bên dưới lớp vỏ, các cuộn dây hay còn gọi là “bobbin" có màu sắc khác nhau. Phổ biến nhất là màu đen, nhưng đôi khi lại là màu trắng.

Các bobbin này được làm từ chất liệu nhựa butyrate do công ty Eastman Chemical cung cấp. Trong một thời gian, nhà phân phối bị thiếu hụt nguồn nhựa butyrate màu đen, nên đã chuyển tạm sang nhựa màu trắng để tiếp tục sản xuất. Kết quả là, trong giai đoạn từ 1958 đến 1960, Gibson đã chế tạo ra nhiều pickup với bobbin toàn trắng, toàn đen, hoặc một đen một trắng – kiểu kết hợp sau này được gọi bằng cái tên “zebra”. Tuy nhiên, tất cả đều được bọc lại bằng lớp vỏ mạ nickel nên người dùng không biết sự khác biệt này trừ khi tháo vỏ ra.

Khi trào lưu tháo vỏ pickup trở nên phổ biến, những cuộc tranh luận nổ ra xoay quanh việc: màu bobbin nào cho âm thanh hay nhất? Seth Lover – cha đẻ của humbucker – cảm thấy chuyện này khá buồn cười, bởi theo ông, sự khác biệt trong âm thanh đến từ rất nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn không phải từ màu sắc của cuộn dây.

Về mặt doanh số, Les Paul Standard tiếp tục sụt giảm, chỉ còn 434 cây được bán ra vào năm 1958. Việc giới thiệu màu sơn mới vào năm 1959 giúp doanh số tăng nhẹ lên 643 cây, nhưng lại giảm trở lại vào năm 1960.

Khi đó, Gibson vừa hoàn tất đợt mở rộng lần thứ ba cho nhà máy ở Kalamazoo, và rõ ràng là họ cần đẩy mạnh doanh số để bù đắp chi phí đầu tư. Nhìn vào thực tế bán hàng kém khả quan của dòng Les Paul, ban lãnh đạo Gibson đi đến quyết định: đã đến lúc phải tái thiết kế toàn bộ dòng sản phẩm này.



Như vậy, chúng ta đã đi qua chương đầu tiên của Gibson Les Paul, từ một ý tưởng táo bạo trong xưởng chế tác của Epiphone cuối tuần đến khi chính thức bước lên sân khấu âm nhạc và dần trở thành di sản cho nền âm nhạc thế giới. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành cùng mẫu Gibson Les Paul đến với sự thay đổi qua cái tên SG, cùng các tên tuổi lớn trong thời kỳ rock&roll và nhiều hơn thế nữa. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo!!