Blog

Epiphone Casino - Mối Lương Duyên Với The Beatles Và Hơn Thế Nữa

Epiphone Casino - Mối Lương Duyên Với The Beatles Và Hơn Thế Nữa

Mẫu đàn được ra đời vào đầu thập niên 1960, Epiphone Casino là hiện thân cho cả một thời kỳ vàng son trong ngành công nghiệp guitar. Với thiết kế hollow-body, trang bị bộ đôi pickup P-90, và một vẻ ngoài cực kỳ sáng sân khấu, Casino đã nhanh chóng trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các nghệ sĩ muốn tìm kiếm chất âm chân thực, khả năng chơi dễ dàng và nhiều hơn thế nữa, ...

Ít ai ngờ rằng thương hiệu Epiphone – gắn liền với những cây đàn biểu tượng như Casino – lại khởi nguồn từ Smyrna, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1890. Sau khi di cư sang Mỹ năm 1903, gia đình Stathopoulos dần khẳng định tên tuổi với những cây mandolin thủ công. Người con trai Epi tiếp tục phát triển xưởng đàn, thành lập công ty Epiphone vào năm 1923 và nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Gibson trong thời kỳ hoàng kim của banjo và archtop guitar. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, Epiphone dần suy yếu vì các biến động nội bộ và được mua lại bởi Gibson – một quyết định giúp hồi sinh Epiphone như dòng sản phẩm thứ hai bên cạnh Gibson, nhưng với mức giá dễ tiếp cận hơn. Đây chỉ là phiên bản siêu tóm tắt về cuộc hành trình của Epiphone, Tone Lab cũng đã có một bài viết chi tiết về lịch sử Epiphone và nếu bạn hứng thú thì bạn có thể đọc chi tiết tại đây.

Để tiếp tục phát triển, chiến lược cho dòng Epiphone “phiên bản mới” được hoàn thiện trong một buổi họp vào tháng 2 năm 1958. Họ giữ nguyên tên gọi các dòng cũ như Century, Zephyr, Emperor — nhưng thiết kế thân đàn thì chuyển hẳn sang phong cách Gibson mảnh mai, mượt mà hơn. Ghi chú cuộc họp thậm chí còn mô tả dáng đàn cao cấp mới là “kiểu giống Gibson ES-335”, cũng là mẫu sẽ ra mắt ngay trong năm đó.

McCarty đã thúc ép đội ngũ của mình làm việc cực kỳ quyết liệt, và thành quả là loạt đàn Epiphone thế hệ mới chính thức ra mắt tại triển lãm NAMM mùa hè năm 1958. Tâm điểm của cả dòng sản phẩm chính là Epiphone Sheraton - mẫu cao cấp nhất, sở hữu đầy đủ những chi tiết trang trí lộng lẫy mà bạn có thể kỳ vọng từ một cây đàn sang chảnh. Về cơ bản, Sheraton là “anh em sinh đôi” với Gibson ES-335, nhưng mang trên mình bản sắc của Epiphone.

Dù màn chào sân ấn tượng, doanh số ban đầu lại khá khiêm tốn - chỉ có 226 cây đàn được xuất xưởng trong năm 1959. Tuy nhiên, sang năm 1960, con số đó đã vọt lên hơn 2.000 cây. Và trong cột mốc đáng chú ý nhất vào năm 1961 khi Epiphone xuất xưởng 3.906 cây đàn. Đến 1962, con số tăng lên 4.788, và đến năm 1965 là năm thành công nhất trong lịch sử Gibson với hơn 100.000 nhạc cụ được bán ra và Epiphone chiếm gần 20.000 trong số đó. Một con số không hề nhỏ.

Thành công này khiến Gibson quyết định mở rộng danh mục Epiphone thêm nữa. Lấy cảm hứng từ sự phổ biến của Gibson ES-330 (ra mắt năm 1959), họ cho ra đời mẫu Epiphone Casino vào năm 1961. Casino sở hữu dáng cutaway kép giống ES-335 nhưng giữ lại cấu trúc hollow-body hoàn toàn giống ES-330 — mang đến một chất âm phóng khoáng, tự nhiên hơn.

Ban đầu, Casino sống dưới cái bóng của những mẫu đắt tiền hơn. Nhưng rồi năm 1964, Paul McCartney đã mua một cây Casino tại Anh. Tuy McCartney thường được xem là “gương mặt đại diện” gắn liền với mẫu đàn này, thì người thật sự chơi Casino trước tiên lại là Keith Richards của Rolling Stones — người đã mua và sử dụng cây đàn này trước McCartney vài tháng, và còn đem nó lên sân khấu biểu diễn công khai.

Năm 1964, Rolling Stones đã bắt đầu gặt hái được thành công vang dội, và Keith Richards lúc này cũng có thể thoải mái sắm cho mình những cây đàn “xịn sò” hơn. Cuối tháng 5 năm đó, anh tậu về một cây Epiphone Casino ES-230TDV đời 1962. Đây là một trong những phiên bản đầu tiên, còn giữ nguyên thiết kế headstock nguyên bản, được sản xuất tại nhà máy Gibson ở Michigan - chung dây chuyền sản xuất với mẫu Gibson ES-330.

Thực ra, Casino và ES-330 có rất nhiều điểm tương đồng: thân đàn rộng 16 inch, làm từ gỗ ghép nhiều lớp gồm maple và birch, hoàn thiện lớp sơn sunburst; cần đàn bằng gỗ mahogany; fingerboard bằng gỗ rosewood có viền; và đặc biệt là bộ vibrato “độc quyền” của Epiphone — được giới thiệu cùng mẫu đàn vào năm 1961, lấy cảm hứng từ Bigsby nhưng có bản sắc riêng. Một mẫu quảng cáo năm 1962 mô tả hệ thống vibrato này là “sáng tạo độc quyền của Epiphone”, hứa hẹn “mở ra một chiều không gian hoàn toàn mới cho việc chơi guitar”.

Cây Casino của Keith chơi có scale-length là 24.75 inch — một tiêu chuẩn quen thuộc của Gibson và cần đàn nối vào thân ở ngăn thứ 16, giúp tay trái không phải với xa như trên ES-335 (nối ở ngăn 19). Đàn được trang bị ABR bridge được mạ nickel, hệ thống điện gồm 2 nút volume, 2 nút tone và một công tắc ba chiều để chuyển pickup.

Khi ra mắt năm 1961, giá niêm yết của Casino là 275 đô — hoặc 314 đô nếu chọn thêm bộ vibrato. Theo hồ sơ của Gibson, chỉ có 211 cây Casino ES-230TDB được xuất xưởng trong năm 1962. Và cây đàn mà Keith Richards chọn đã nhanh chóng trở thành cây guitar chủ lực của anh trong cả phòng thu lẫn trên sân khấu. Keith từng nói về cây đàn này:

“Đó là một cây đàn tuyệt vời cho studio và các club nhỏ. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu chơi ở những nhà hát lớn hơn, những âm thanh feedback từ những cây hollow như Casino trở nên không kiểm soát nổi. Thế là tôi chuyển sang mấy cây solid-body như Les Paul.”

Keith Richards đã mang theo cây Casino trong chuyến lưu diễn Mỹ đầu tiên của Rolling Stones vào mùa hè năm 1964. Thời điểm đó, nước Mỹ vẫn còn đang bị “chấn động” sau màn ra mắt lịch sử của The Beatles trên chương trình The Ed Sullivan Show hồi tháng Hai — một khoảnh khắc mở toang cánh cổng cho cả làn sóng British Invasion tràn vào văn hóa đại chúng Mỹ. Trên chuyến tour tháng Sáu ấy, Stones chỉ mang theo đúng bốn cây đàn: cây Epiphone Casino và Harmony 12 dây của Keith, cây Gretsch Anniversary của Brian Jones, và cây Framus Star của Bill Wyman.

Bạn có thể thấy Keith chơi cây Casino trong chương trình The Hollywood Palace, khi ban nhạc biểu diễn bản “I Just Want to Make Love to You”. Đây cũng là cây guitar chính của anh trong các buổi thu âm tại phòng thu Chess Records — thánh địa của blues trong mùa hè năm đó. Tour diễn kết thúc bằng show diễn tại Carnegie Hall vào ngày 20/6, nơi Keith vẫn trung thành với cây Casino, cắm thẳng vào dàn ampli Fender Showman thuê tại chỗ.

Trong khi đó, cuối năm 1964, Paul McCartney cũng quyết định tậu cho mình một cây Casino, chuẩn bị cho buổi ghi hình chương trình Giáng Sinh truyền thống của The Beatles — sự kiện thường niên mà ban nhạc thực hiện như một món quà dành tặng fan hâm mộ, bao gồm các tiểu phẩm, phỏng vấn vui nhộn và phần trình diễn nhạc live. Những chương trình này thường được ghi hình tại phòng thu hoặc trường quay nhỏ, phát hành độc quyền dưới dạng đĩa cho fan club vào dịp cuối năm. Trước đó, Paul đã từng sở hữu một cây Epiphone Texan acoustic, nên anh đã quá quen với chất lượng của thương hiệu này. Điều đặc biệt là cây Casino mà Paul chọn là phiên bản dành cho người thuận tay phải. Và nếu các bạn chưa biết thì Paul là người thuận tay trái.

Chiếc Casino sunburst này của Paul được Gibson xuất xưởng vào ngày 1/11/1962 với số serial “84075". Một bức ảnh nổi tiếng còn ghi lại khoảnh khắc Paul và George Harrison cùng cúi đầu ngắm nghía cây đàn, cố gắng tìm ra cách “độ” nó thành guitar tay trái. Họ đã tháo pickguard, gắn thêm nút đeo dây, lật ngược cây đàn, thay dây tay trái, và chỉnh lại toàn bộ ngựa đàn để đảm bảo đúng intonation.

Paul McCartney và John Mayall là những người bạn thân thiết trong giới âm nhạc London. McCartney thường xuyên đến nhà Mayall, nơi Mayall đóng vai trò như một “DJ tại gia”, mở cho anh nghe hàng loạt bản thu blues cổ điển từ các nghệ sĩ như B.B. King, Buddy Guy, Albert King và Eric Clapton. Trong một cuộc phỏng vấn, McCartney chia sẻ: 

“Chúng tôi thường gặp nhau tại các câu lạc bộ âm nhạc vào đêm khuya và sau đó về nhà anh ấy, nơi anh ấy có một bộ sưu tập đĩa nhạc khổng lồ và tuyệt vời. Trong những khoảnh khắc đó, anh ấy trở thành một người cố vấn và dạy tôi rất nhiều về các nghệ sĩ guitar blues thời đó.”

Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn năm 1997, ông từng khẳng định sự yêu thích của mình với cây đàn Epiphone Casino:

“Nếu tôi phải chọn một cây guitar điện duy nhất, đó sẽ là cây đó.”

Cây Casino bắt đầu được Paul McCartney sử dụng trong thu âm và biểu diễn từ năm 1965 trở đi, và nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn vàng son của The Beatles. Ông đã dùng cây đàn này để ghi âm phần lead guitar cho Ticket to Ride — một trong những bài hát đầu tiên của ban nhạc có phần lead do Paul đảm nhận thay vì George. Ngoài ra, cây Casino còn xuất hiện trong quá trình thu âm Drive My CarAnother Girl, I'm Down, và nhiều bản thu khác từ thời kỳ Help! đến Rubber Soul.

Đến album Revolver, Paul chơi Casino trong các bản như Taxman và Paperback Writer. Sau đó, cây đàn tiếp tục được sử dụng trong Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band, nơi nó góp mặt trong các đoạn guitar rhythm và overdub, cũng như trong các bản thu cho Magical Mystery Tour như Hello Goodbye.

Trong The White Album, cây Casino vẫn đồng hành cùng Paul trong các bản như Back in the U.S.S.R., Birthday, Helter Skelter, và Why Don’t We Do It in the Road?. Đáng chú ý, ông tiếp tục sử dụng chính cây Casino đó xuyên suốt sự nghiệp solo, từ tour diễn Wings Over America đến các buổi biểu diễn từ thập niên 2000 trở đi. Một trong những khoảnh khắc tiêu biểu là khi ông biểu diễn Paperback Writer bằng chính cây đàn này tại các show lớn như Live 8 và tour Out There.

Cũng trong mùa xuân năm 1966, khi ban nhạc chuẩn bị bước vào phòng thu để thu album Revolver, John Lennon và George Harrison cũng lần lượt mua cho mình mỗi người một cây Epiphone Casino. Cả hai cây đều được sản xuất vào năm 1965 và sở hữu phần đầu cần với dáng “đồng hồ cát” đặc trưng của thế hệ sau. Trong chuyến lưu diễn châu Âu và Nhật Bản năm đó, cả John và George đều mang theo Casino và sử dụng chúng trên sân khấu.

Với John, cây đàn này gần như trở thành biểu tượng và nó dần trở thành cây đàn gắn bó nhất trong giai đoạn cuối Beatles. Từ album Revolver, White Album cho tới Abbey Road và cả buổi diễn trên sân thượng huyền thoại được ghi lại trong bộ phim tài liệu Get Back, Lennon gần như chỉ dùng Casino — đặc biệt nổi bật trong các ca khúc như Revolution, Don’t Let Me Down, Yer Blues. Thậm chí, trong suốt khoảng thời gian từ năm 1966 đến khi ban nhạc tan rã, John gần như không sử dụng bất kỳ cây electric guitar nào khác ngoài Casino trong các hoạt động ghi âm và biểu diễn chính thức của The Beatles.

Về sau, Lennon đã thay bộ khóa lên dây nguyên bản Kluson Deluxe bằng bộ tuners Grover để cải thiện độ ổn định. Một chi tiết thú vị khác: trong lần sang Ấn Độ học thiền cùng các thành viên Beatles, nhạc sĩ Donovan được cho là người đã thuyết phục John và George cạo lớp sơn phủ khỏi cây Casino của họ để, theo lời Donovan, “cho cây đàn được thở” và từ đó cải thiện độ cộng hưởng, độ rung, và chất âm tổng thể.

Dòng sản phẩm Epiphone Casino nguyên bản kéo dài từ năm 1961 đến 1970, và trong suốt quá trình sản xuất, cây đàn đã trải qua không ít thay đổi về mặt thiết kế. Ban đầu, fretboard inlays chỉ là những chấm tròn đơn giản, nhưng đến cuối năm 1962, chúng được thay bằng hình parallelogram (hình bình hành) sang chảnh hơn. Khoảng năm 1963, phần pickup cover cũng được nâng cấp — từ nhựa đen sang loại metallic nickel-plated sáng bóng. Và đến năm 1967, màu sơn Cherry Red được thêm vào, thay thế cho màu Sunburst Royal Tan trước đó.

Năm 1966 đánh dấu đỉnh cao sản lượng của Casino với 1.655 cây được xuất xưởng — gần gấp đôi số lượng 853 cây của năm 1965. Sự bùng nổ này không phải ngẫu nhiên: trong vòng chỉ hai năm, từ 1964 đến 1965, những biểu tượng như Keith Richards, Paul McCartney, John Lennon và George Harrison đều đã xuất hiện công khai với cây đàn này từ các show truyền hình, những bản hit đứng đầu bảng xếp hạng, đến cả các chuyến lưu diễn quốc tế, hình ảnh Casino gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng đã góp phần không nhỏ đưa cây đàn trở thành “cây đàn mơ ước” của hàng ngàn tay guitar trẻ lúc bấy giờ.

Sau khi bị ngừng sản xuất vào đầu những năm 1970, Epiphone Casino một lần nữa được hồi sinh, nhưng lần này là từ các nhà máy sản xuất nước ngoài. Đến tháng 8 năm 1984, công ty môi giới Rooney Pace tiếp quản Gibson. Dưới quyền sở hữu của tập đoàn Norlin, họ bắt đầu bán tháo dần các bộ phận thuộc mảng nhạc cụ. Cuối cùng, chính Gibson cũng được bán lại cho một nhóm nhà đầu tư đứng đầu bởi Henry Juszkiewicz.

Trong những thập kỷ sau đó, dòng Epiphone chủ yếu được định vị ở phân khúc giá rẻ, hướng tới người mới bắt đầu — với thiết kế lấy cảm hứng từ các mẫu cổ điển danh tiếng. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn giữ được mối liên hệ với những huyền thoại: Joe Pass, tay guitar jazz huyền thoại, có một mẫu signature Epiphone mang tên mình. Trong khi đó, John Lee Hooker - tượng đài blues cũng từng góp mặt trong các chiến dịch quảng bá cho cây Epiphone Sheraton semi-hollow.

Sau cái chết của John Lennon, Epiphone đã tri ân ông bằng hai phiên bản tưởng niệm của cây Casino - một bản sunburst cổ điển và một bản màu gỗ tự nhiên, mô phỏng lại cây Casino mà Lennon từng tự tay cạo sơn. Cả hai đều được chế tạo theo thông số kỹ thuật của thập niên 1960 tại Kalamazoo: thân đàn ghép từ 5 lớp maple-birch, mặt top được ép từ gỗ spruce, cần đàn nguyên khối bằng gỗ mahogany, hoàn thiện bằng lớp sơn nitrocellulose đúng chuẩn vintage. Những cây đàn này được lắp ráp tại Mỹ từ các linh kiện sản xuất tại Nhật Bản, và chỉ có đúng 1.965 cây được phát hành trên toàn thế giới. Ngày nay, chúng đã trở thành hàng sưu tầm giá cao trên thị trường guitar.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của John Lennon, Epiphone đã giới thiệu mẫu đặc biệt John Lennon 70th Anniversary Casino với số lượng giới hạn chỉ 70 chiếc, phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản. Mỗi cây đàn đều được hoàn thiện thủ công với cấu hình tương đương các phiên bản Custom Shop, kèm theo giấy chứng nhận và phụ kiện cao cấp, nhằm tưởng nhớ một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới cây đàn Casino và di sản âm nhạc thế giới.

Sang năm 2011, nghệ sĩ nhạc country Dwight Yoakam sử dụng Casino khi đi tour, và điều đó đã truyền cảm hứng để Epiphone phát hành phiên bản signature mang tên “Dwight Yoakam Trash Roulette”. Mẫu đàn này được phát triển dựa trên dòng Casino Elitist và có thiết kế độc lạ với phần headstock reverse Firebird. Dòng Elitist từng được sản xuất tại nhà máy Gibson ở Thanh Đảo, Trung Quốc, nhưng đã bị ngừng vào năm 2008. Ngày nay, phần lớn các cây Epiphone hiện đại vẫn tiếp tục được sản xuất tại nhà máy này.

Và chương mới đầy bùng nổ của Epiphone Casino hiện đại gọi tên Gary Clark Jr. - nghệ sĩ blues đương đại đã đưa cây đàn này trở lại tâm điểm. Clark sử dụng cả những cây Casino cổ và cả phiên bản hiện đại, thường cắm vào amp Fender Vibro-King reissue 65 watt để tạo nên chất âm blues cổ điển. Sau một thời gian gắn bó với dòng semi-hollow Riviera, anh đã hoàn toàn chuyển sang dùng những cây Casino hollow-body với pickup P-90, đúng như tinh thần mà cây đàn từng gắn bó với Beatles nửa thế kỷ trước.

Phiên bản signature chính thức của Gary - Epiphone Gary Clark Jr. “Blak & Blu” Casino được trang bị bộ pickup Gibson USA P-90 cao cấp. Gary đặc biệt thích đẩy cây Casino đến ranh giới của tiếng feedback ngay trên sân khấu, nhất là khi kết hợp với hiệu ứng fuzz mạnh mẽ. Thiết kế thân hollow hoàn toàn của cây đàn cho phép anh điều khiển âm phản hồi một cách linh hoạt và biểu cảm, tạo nên chất âm vừa thô ráp, vừa gấp gáp, cực kỳ phù hợp với những màn trình diễn sôi động và đầy năng lượng của anh.

Đến năm 2020, như một phần trong dòng sản phẩm “Gibson Inspired By”, Epiphone Casino được đưa trở lại sản xuất tại Mỹ. Đây là một cột mốc vô cùng đáng nhớ — đánh dấu lần hiếm hoi trong nhiều thập kỷ mà người chơi có thể sở hữu một cây Casino sản xuất trên đất Mỹ. Dù phiên bản này không hoàn toàn chính xác với nguyên mẫu thập niên 1960 nhưng tinh thần, di sản và linh hồn của Casino vẫn được giữ nguyên vẹn. Những thay đổi nhỏ về thông số, kết cấu hay vật liệu chỉ nhằm đảm bảo cây đàn có thể được sản xuất ổn định, bền bỉ và khả thi về mặt thương mại.

Thêm vào đó sự quan tâm đến The Beatles trong những năm gần đây phần lớn nhờ vào bộ phim tài liệu Get Back và làn sóng hoài niệm văn hóa đang trỗi dậy, cũng đã khiến Epiphone Casino một lần nữa trở thành biểu tượng sống trong lòng người yêu nhạc. Từ những tay chơi đắm đuối với guitar cổ điển cho đến các nghệ sĩ blues-rock hiện đại, Casino chắc chắn vẫn là một trong những cây đàn hollow-body được yêu thích nhất mọi thời đại.