Epiphone: Lược sử về hành trình 150 năm!!

Nhân dịp Tone Lab chính thức trở thành đại lý ủy quyền của Epiphone tại Việt Nam, đây là cơ hội tuyệt vời để cùng nhìn lại hành trình đáng tự hào của một thương hiệu guitar hơn 150 năm tuổi. Từ những cây đàn thủ công tại Đế quốc Ottoman cho đến những sân khấu lừng danh cùng The Beatles và Les Paul, Epiphone không chỉ là “phiên bản giá rẻ của Gibson” mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử guitar hiện đại. Hãy cùng Tone Lab khám phá sơ lược về di sản của thương hiệu huyền thoại qua bài viết này nhé!!
Vào năm 2023, Epiphone đã kỷ niệm 150 năm thành lập – một cột mốc quan trọng đối với thương hiệu guitar mang tính biểu tượng này. Từ vẻ đẹp vượt thời gian của kỷ nguyên jazz, qua ống kính kỳ ảo của psychedelic thập niên 1960, đến bức tường âm thanh của Britpop những năm 1990 và bối cảnh âm nhạc đa dạng ngày nay, các nhạc cụ của Epiphone luôn có mặt trong những khoảnh khắc “bùng nổ lớn” của văn hóa đại chúng. Casino, Texan, Sheraton, Riviera – những cái tên vang vọng trong giới guitar, khơi gợi sự ngưỡng mộ lẫn khao khát, dù bạn là một thành viên của The Beatles hay một người mới chơi. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là: lịch sử của Epiphone còn bắt đầu sớm hơn cả Gibson, từ cách đây 150 năm tại một hải cảng ven biển Aegean – nay là lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
MỞ ĐẦU & NGUỒN GỐC
Năm 1873, vào khoảng sinh nhật 12 tuổi, gia đình Anastasios Stathopoulo rời quê hương Hy Lạp để đến Smyrna (nay là İzmir) – một hải cảng sầm uất thuộc Đế quốc Ottoman, nơi cha ông – Konstantinos – lập nghiệp với vai trò thương nhân buôn gỗ. Anastasios thường theo cha trong các chuyến công tác khắp châu Âu, vừa quan sát nghề nghiệp, vừa tìm hiểu các loại gỗ khác nhau cùng đặc tính riêng biệt của chúng.
Gia đình nhanh chóng mở một cửa hàng tại Smyrna chuyên bán và sửa chữa đàn lute, violin và bouzouki, và đến năm 1890, danh tiếng của Anastasios với tư cách là một luthier (nghệ nhân làm đàn) đã đủ lớn để ông mở một xưởng sản xuất nhạc cụ riêng.
Cũng trong thời gian đó, ông lập gia đình và có con trai đầu lòng là Epaminondas (thường gọi là Epi) vào năm 1893, sau đó là các em Alex, Minnie, Orpheus, Frixo và Ellie. Tuy nhiên, thuế cao khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Ở tuổi 40, Anastasios quyết định di cư cùng gia đình sang Hoa Kỳ.
THỜI KỲ MỸ HOÁ & EPI TIẾP QUẢN
Tại New York, Anastasios tiếp tục nghề chế tác nhạc cụ. Ông đăng ký bằng sáng chế đầu tiên và duy nhất vào ngày 25 tháng 3 năm 1909 cho một cây mandolin lưng tròn kiểu Ý. Sau khi Anastasios mất năm 1915, Epi – mới 22 tuổi – tiếp quản toàn bộ công việc kinh doanh. Nhãn hiệu nhạc cụ cũ được thay bằng dòng chữ mới: “The House of Stathopoulo – Nhạc cụ chất lượng từ năm 1873”.
Bản vẽ mẫu đàn mandolin của Anastasios
Epi bắt đầu đóng vai trò lãnh đạo và được cấp bằng sáng chế đầu tiên cho một hệ thống vòng âm cho đàn banjo. Sau khi mẹ qua đời năm 1923, Epi chính thức trở thành cổ đông kiểm soát công ty. Ông bắt đầu loại bỏ các mẫu mandolin mang phong cách cổ, thay vào đó là dòng Recording gồm các mẫu banjo thời thượng, đáp ứng làn sóng yêu thích banjo tại Mỹ hậu Thế chiến I.
Sau khi mua lại nhà máy Favoran Co. tại Long Island, cuộc cách mạng của Epi đạt đỉnh. Công ty được chính thức thành lập với tên mới: Epiphone – kết hợp giữa tên ông và từ gốc Hy Lạp “phōnē” nghĩa là âm thanh.
Epi giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, tuyên bố trong các ấn phẩm ngành rằng:
“Chính sách mới của công ty là tập trung toàn lực vào sản xuất đàn banjo, tenor banjo, banjo mandolin, banjo guitar và banjo ukulele dưới thương hiệu đã đăng ký: Epiphone.”
Nhờ giữ lại đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề từ nhà máy Long Island, sản lượng tăng, chất lượng nâng cao. Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử Epiphone lúc đó là vào năm 1928 – khi hãng lần đầu tiên giới thiệu dòng guitar acoustic, nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn nhất: Gibson.
CẠNH TRANH TRỰC TIẾP VỚI GIBSON
Giống như dòng banjo trước đó, dòng guitar Recording của Epiphone nổi bật với hình dáng thân đàn độc đáo. Các mẫu này sử dụng mặt đàn bằng gỗ spruce và thân đàn bằng gỗ maple, được sản xuất với cả hai kiểu: archtop (mặt cong) và flat-top (mặt phẳng). Tuy nhiên, do thiếu độ cộng hưởng nên khiến cho âm lượng và không có nghệ sĩ nổi tiếng ủng hộ, các mẫu guitar này không tạo được thành công đáng kể. Do đó dòng Recording bị đánh giá là quá nhỏ và trang trí quá cầu kỳ, không thể so sánh với Gibson L-5, mẫu guitar đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp kể từ khi ra mắt năm 1922.
Sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929, doanh số banjo vẫn ổn định, nhưng Epi hiểu rõ rằng guitar archtop đang trở nên phổ biến hơn bao giờ – và Gibson là đối thủ chính. Đáp lại, năm 1931, Epiphone giới thiệu dòng Masterbilt gồm bảy mẫu archtop mặt chạm (carved-top). Không khó để nhận ra ảnh hưởng từ dòng Gibson L-5 – các mẫu Masterbilt có f-hole, headstock, và thậm chí tên gọi khá giống với loạt Gibson Master Model.
Trong suốt thập niên 1930, cuộc cạnh tranh giữa Epiphone và Gibson chuyển từ sự ganh đua thân thiện sang một “cuộc chiến guitar” thực sự. Năm 1934, Gibson tung ra thiết kế archtop mới, tăng kích thước thân đàn và cho ra mắt mẫu Super 400. Không chịu thua, Epiphone đáp trả vào năm 1935 bằng mẫu Emperor cao cấp, thân đàn còn rộng hơn một chút và đi kèm chiến dịch quảng cáo táo bạo. Năm 1936, Epiphone cũng tiếp tục nâng cấp các mẫu guitar khác của hãng bằng cách tăng thêm chiều rộng của thùng đàn – khiến chúng rộng hơn 3/8 inch so với các mẫu archtop của Gibson – trở thành những mẫu đàn dễ nhận biết nhất trên thị trường thời điểm đó.
Đến giữa thập niên 1930, guitar Epiphone được xem là thuộc hàng tốt nhất thế giới. Hãng vươn ra quốc tế nhờ ký kết phân phối với Handcraft Ltd. tại London, đồng thời mở showroom mới với tầng trệt không chỉ là trụ sở chính mà còn là nơi gặp gỡ yêu thích của các nhạc sĩ. Vào mỗi chiều thứ Bảy, Epi thường mở tủ trưng bày và mời các nghệ sĩ như Al Caiola, Harry Volpe và Les Paul biểu diễn, thu hút người đi đường dừng lại lắng nghe.
Năm 1935, Epiphone tiếp tục bước vào thị trường mới đang nổi – dòng đàn lap steel, với sản phẩm có tên Electar (ban đầu gọi là Electraphone). Hãng còn phát triển pickup có cực từ điều chỉnh được khi đó gọi là “balancing pins”. Ban đầu, pickup này có tên là TruBalance, và đơn xin cấp bằng sáng chế cho phiên bản nâng cấp được gọi là Master Pickup – sau đó nộp vào tháng 11 năm 1937 bởi Herb Sunshine, nhân viên bán hàng của Epiphone. Master Pickup đã giúp Epiphone củng cố danh tiếng sáng tạo của Epiphone. Đến cuối thập niên 1930, doanh số của hãng tăng gấp đôi.
Tháng 7 năm 1936, Epiphone giới thiệu loạt sản phẩm mới tại triển lãm NAMM tại khách sạn Stevens ở Chicago, bao gồm cả một cây piano điện hợp tác với Meissner Inventions Company ở New Jersey.
Cũng trong thời gian này, Epiphone bắt đầu sản xuất ampli sau khi gặp gỡ kỹ sư điện tử Nat Daniel – một người bạn của Les Paul. Daniel đã hoàn thiện một hệ thống dây điện push-pull wiring cực kỳ sáng tạo – ngày nay vẫn phổ biến trong nhiều ampli hiện đại.
Năm 1939 còn ghi dấu một sự kiện lịch sử: Les Paul, trong những đêm dài tại xưởng Epiphone, đã lắp ráp thành công cây đàn mang tên “The Log” – nguyên mẫu đầu tiên của solid-body guitar hiện đại. Cây đàn sử dụng thân archtop Epiphone được cắt đôi, với khối gỗ đặc ở giữa để gắn bridge, pickup và hệ thống điện tử; tuy nhiên việc cần đàn được lấy từ chính Epiphone hay Gibson hiện nay vẫn còn gây tranh cãi. Thiết kế này đánh dấu bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi từ guitar gỗ thân rỗng sang thân gỗ đặc. Ngày nay, “The Log” được trưng bày tại Bảo tàng Âm nhạc Đồng quê ở Nashville.
Les Paul cùng nguyên mẫu The Log huyền thoại
THỜI CHIẾN & KHỦNG HOẢNG
Tương lai Epiphone khi đó tưởng chừng rất hứa hẹn. Thế nhưng, khi Hoa Kỳ bước vào Thế chiến thứ hai, nhiều hãng nhạc cụ phải dành một phần xưởng và nguyên vật liệu để phục vụ chiến tranh. Cùng với đó là sự thiếu hụt lao động do nam giới nhập ngũ, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Luc đó, Epiphone vẫn là một thương hiệu được yêu thích bởi người tiêu dùng và dẫn đầu ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vào năm 1943, hãng mất đi ánh sáng dẫn đường lớn nhất khi Epaminondas Stathopoulo (Epi) qua đời vì bệnh bạch cầu.
Quyền điều hành công ty chuyển cho hai người em là Orphie và Frixo, và những rạn nứt nhanh chóng xuất hiện – cả trong dây chuyền sản xuất lẫn trong phòng họp. Hai anh em bắt đầu tranh cãi về định hướng tương lai của công ty, và đến năm 1948, Frixo bán lại toàn bộ cổ phần cho Orphie.
Từ sau cái chết của Epi, danh tiếng về tay nghề và đổi mới mà ông gây dựng trong những năm 1920 và 1930 đã không còn được duy trì. Khi thị hiếu âm nhạc thay đổi, sản phẩm của Epiphone bắt đầu trở nên lỗi thời và thiếu sức cạnh tranh.
Năm 1953, nhà máy của hãng chuyển từ Manhattan sang Philadelphia, với lý do chính là tránh xung đột với công đoàn – một vấn đề nhức nhối với các công ty sản xuất ở New York thời bấy giờ. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân lành nghề đã từ chối rời khỏi New York, dẫn đến việc chất lượng sản phẩm suy giảm đáng kể.
Trong khi đó, ở đầu thập niên 1950, Les Paul – người từng cộng tác với Epiphone – trở thành tên tuổi nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ chương trình truyền hình, radio và những bản hit đứng đầu bảng xếp hạng. Tất cả đều được ông biểu diễn bằng guitar Gibson mang tên chính mình - mẫu Gibson Les Paul. Dù thiết kế guitar này từng được Les Paul phát triển tại xưởng Epiphone và từng được trình bày với Ted McCarty (chủ tịch Gibson) từ năm 1941. Tuy nhiên, mãi đến khi Fender tung ra Esquire và Broadcaster vào năm 1950, McCarty mới nhanh chóng nhận ra tiềm năng và quyết định mời Les Paul trở thành nghệ sĩ đại diện cho mẫu solidbody đầu tiên của Gibson. Thiết kế của “The Log” sau này chính là tiền thân cho cây Gibson ES-335 nổi tiếng với kết cấu centerblock đặc trưng.
Xuyên suốt những năm 1950, tình hình của Epiphone tiếp tục xấu đi. Chính Les Paul đã gợi ý Ted McCarty nên tiếp cận Epiphone, vì vẫn đánh giá cao năng lực của hãng – đặc biệt là dòng bass rất được giới chuyên nghiệp ưa chuộng.
Năm 1957, khi McCarty liên hệ với Orphie, ông nhận được đề nghị bán toàn bộ công ty Epiphone, bao gồm cả lượng hàng còn lại tại nhà máy Philadelphia, với giá 20.000 USD (khoảng 215.000 USD tính theo giá trị năm 2023). McCarty lập tức chấp thuận thay mặt Gibson. Và thế là, gia đình Stathopoulo chính thức rời khỏi ngành nhạc cụ.
Ban đầu, Ted McCarty chỉ định mua Epiphone để đưa các mẫu bass của hãng vào danh mục Gibson. Nhưng cũng trong năm đó, ông viết trong một bản ghi nhớ nội bộ rằng thương hiệu Epiphone sẽ được hồi sinh với dòng sản phẩm mới.
Chiến lược marketing của McCarty là cung cấp các mẫu Epiphone do Gibson sản xuất cho các đại lý chưa đủ điều kiện bán hàng Gibson. Đây là một giải pháp khéo léo:
“Các đại lý mới sẽ được bán sản phẩm chất lượng Gibson, nhưng không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những đại lý Gibson hiện tại.”
Toàn bộ hoạt động của Epiphone được chuyển đến nhà máy Gibson tại Kalamazoo, Michigan, và Epiphone chính thức quay trở lại đường đua – nhưng lần này là dưới bóng của gã khổng lồ Gibson.
HẬU MUA LẠI & THỜI KỲ HIỆN ĐẠI
Epiphone không bị lu mờ dưới cái bóng của Gibson quá lâu. Khi dòng sản phẩm mới bắt đầu được phân phối tới các đại lý vào năm 1958, người ta nhanh chóng nhận thấy rằng hai thương hiệu đang được định vị theo những bản sắc riêng biệt. Một mặt, Epiphone giờ đây có những phiên bản giá rẻ hơn của các mẫu Gibson nổi tiếng. Nhưng mặt khác, họ cũng tái hiện lại các mẫu kinh điển của riêng mình, đồng thời cho ra mắt nhiều thiết kế hoàn toàn mới. Cùng với đó là dòng ampli mới, cho thấy đội ngũ thiết kế Epiphone đang nhanh chóng lấy lại vị thế và độc lập sáng tạo so với Gibson.
Sự kiện ra mắt chính thức diễn ra tại triển lãm NAMM 1958, với Emperor là mẫu đầu bảng. Chỉ vài năm sau, năm 1961, Epiphone bán được gần 3800 cây đàn. Đến năm 1965, hãng đã chiếm 20% tổng số nhạc cụ xuất xưởng từ nhà máy Gibson tại Kalamazoo.
Khi làn sóng nhạc folk bùng nổ vào đầu những năm 1960, Epiphone sẵn sàng đón đầu với nhiều mẫu guitar mới và không thể không nhắc đến điểm cú hit lớn nhất của họ trong lĩnh vực guitar điện - mẫu Casino (ra mắt 1961), sau đó nhanh chóng trở thành lựa chọn của The Kinks, The Rolling Stones, và đặc biệt là The Beatles.
Paul McCartney là người đầu tiên trong nhóm sở hữu một cây Casino 1962, mua năm 1964. Sau đó là John Lennon và George Harrison, dùng trong các buổi thu âm album Revolver vào mùa xuân năm 1966.
Paul McCartney cùng với cây Epiphone Casino của ông
Giai đoạn 1961–1965 là thời kỳ bùng nổ của Epiphone, với doanh số tăng gấp 5 lần. Nhưng cuối thập niên 1960, sự xuất hiện ồ ạt của các mẫu nhái giá rẻ từ châu Á đã khiến Epiphone mất dần thị phần. Đồng thời, Gibson cũng gặp khó khăn khi Ted McCarty rời đi để điều hành Bigsby và Tập đoàn mẹ CMI bị ECL Corporation (Ecuador) mua lại năm 1969. Epiphone rơi vào thế kẹt: bị xem là “phiên bản hạng hai” của Gibson, nhưng không đủ rẻ để cạnh tranh với hàng châu Á.
Ngay trước khi được bán cho ECL, đã có đề xuất chuyển Epiphone sang sản xuất tại Nhật Bản. Và vào năm 1970, Epiphone ngừng sản xuất tại Mỹ và chuyển toàn bộ sang Matsumoto, Nhật Bản. Ban đầu, các mẫu Epiphone do hãng Matsumoku sản xuất là những thiết kế được tái gán thương hiệu, nhưng dần dần được cải tiến.
Tuy nhiên sau đó, Chi phí sản xuất tại Nhật tăng cao, nên vào năm 1983, Epiphone chuyển sang Hàn Quốc, hợp tác sản xuất cùng Samick. Bước ngoặt lớn xảy ra năm 1986, khi bộ ba Henry Juszkiewicz, David Berryman và Gary Zebrowski mua lại Gibson (và Epiphone) từ tập đoàn ECL/Norlin.
Lúc này, Epiphone chỉ đạt doanh thu dưới 1 triệu USD/năm và dường như bị lãng quên. Tuy nhiên, Juszkiewicz và Berryman nhìn thấy tiềm năng lớn và trực tiếp tới Hàn Quốc để đánh giá và cải tổ toàn bộ chiến lược sản xuất. Sau đó, nhiều mẫu guitar mới lẫn cũ được đưa ra thị trường. Les Paul Epiphone trở thành “cây đàn điện đầu tiên” phổ biến nhất thế giới – Noel Gallagher dùng để thu âm album Definitely Maybe của Oasis.
Noel Gallagher đánh cây đàn Epiphone Sheraton II Union Jack
Từ đó về sau, định hướng chủ đạo của Epiphone là sản xuất các mẫu đàn “trông giống Gibson” nhưng có phần headstock khác biệt. Những phiên bản "sao chép” được cấp phép này vẫn là sản phẩm chủ lực của hãng cho đến tận thời điểm hiện tay.
Hai thập kỷ gần đây chứng kiến Epiphone phát triển mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu:
“A guitar for every stage” – cây đàn cho mọi hành trình âm nhạc.
Với dàn nghệ sĩ đại diện trải dài từ Slash, Tony Iommi, Adam Jones, Jared James Nichols, Emily Wolfe, Joe Bonamassa, Billie Joe Armstrong, Matt Heafy…
Khi bước vào năm 2023, Epiphone đánh dấu 150 năm lịch sử với hàng loạt: Sản phẩm đặc biệt, các sự kiện tri ân, các chương trình hợp tác với nghệ sĩ và các hoạt động truyền thông toàn cầu
Tính đến thời điểm hiện tại, dù Epiphone vẫn thường được biết đến là “thương hiệu giá rẻ” của Gibson, nhưng đằng sau danh xưng đó là một câu chuyện dài, phong phú và đầy di sản – không chỉ đơn thuần là bản sao của một thương hiệu lớn.