Blog

5 Điều Cần Biết Trước Khi Chơi Guitar Pedal

5 Điều Cần Biết Trước Khi Chơi Guitar Pedal

Guitar pedal (tên Việt hóa là “phơ”) có thể nói là một phần không thể thiếu trong hành trình chơi guitar điện của rất nhiều người, từ bedroom guitarist tới các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Với công dụng chính là xử lý và cải thiện âm thanh, effect pedal giúp tạo ra nhiều chất âm khác nhau, cho phép người chơi đạt được tiếng đàn mà mình mong muốn. Tuy nhiên, trước khi dấn thân vào thế giới pedal phong phú, có một số điều bạn cần nắm rõ để không bị “sốc văn hóa” và có thể thật sự chơi pedal chứ không để pedal “chơi” lại mình. Sau đây là 5 điều cơ bản bạn nên biết trước khi nhập môn guitar pedal.

Note: Trong bài viết này, Tone Lab sẽ tập trung vào analog & stompbox pedal, tuy nhiên nếu bạn là một người chơi multi-effect thì cũng đừng rời đi vội bởi một số lời khuyên có thể sẽ hữu ích cho bạn đó!

1. Hiểu Về Các Loại Pedal Cơ Bản

Để có thể sử dụng guitar pedal hiệu quả, trước hết các bạn cần biết mình đang sử dụng cái gì - đó chính là các loại effect pedal cơ bản. Mỗi effect sẽ có một vai trò riêng, từ overdrive/distortion làm âm thanh mạnh mẽ hơn; delay, reverb giúp tạo thêm không gian hay hệ modulation làm âm thanh trở nên “ảo ma”. Để hiểu rõ về các effect cơ bản, các bạn có thể tìm đọc các bài viết trong chuỗi “Cẩm Nang Pedal” của Tone Lab, ngoài ra mọi người cũng có thể xem review các loại effect để hiểu rõ hơn cách pedal tác động tới tiếng đàn của mình.

Việc hiểu được chức năng của từng loại pedal sẽ giúp bạn lựa chọn và kết hợp chúng một cách hợp lý, từ đó tạo nên một dàn pedal phù hợp với phong cách và mục tiêu âm nhạc của mình. Không những thế, việc hiểu và biết bản thân cần loại effect nào cũng sẽ giúp bạn tránh tình trạng bị các seller “lùa gà” và mua trúng những chiếc pedal không phù hợp với bản thân (dựa trên kinh nghiệm bị lừa của chính ad)

2. Power Supply 

Một trong những yếu tố thường bị xem nhẹ nhưng lại vô cùng quan trọng khi bắt đầu chơi pedal chính là nguồn điện. Pedal của bạn không thể hoạt động nếu không được cấp nguồn (thường dựa trên nguồn DC), và mỗi pedal đều có yêu cầu về điện áp khác nhau. Có nhiều cách khác nhau để cấp nguồn cho pedal nhưng 2 cách phổ biến nhất là:

Daisy chain: Sử dụng adapter và một sợi daisy-chain để kết nối nhiều pedal vào cùng một nguồn điện, các pedal được mắc nối tiếp nhau trên một chuỗi – đây là lý do nó có tên "daisy chain". Daisy chain có ưu điểm là nhỏ gọn, giá rẻ nhưng bù lại sẽ mang tới cho bạn 1 số vấn đề như gây nhiễu (noise) hoặc không thể cấp nguồn cho quá nhiều pedal sử dụng nhiều điện.

Isolated Power Supply: Đây là một cục nguồn rời có các đầu ra độc lập, isolated power supply luôn là lựa chọn hàng đầu của đa số người chơi guitar pedal từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Sử dụng nguồn rời cho phép các pedal hoạt động ổn định, tránh hiện tượng nhiễu và đảm bảo an toàn cho effect pedal về lâu về dài. Nếu bạn xác định đồng hành cùng bộ môn guitar pedal lâu dài, việc đầu tư 1 cục nguồn chất lượng sẽ là cần thiết và đáng đồng tiền.

3. Signal Chain 

Signal chain order có thể hiểu là cách sắp xếp (thứ tự, vị trí) của các cục pedal trong pedalboard, đây là kiến thức quan trọng đối với những người mới tiếp cận bộ môn guitar pedal, hoặc thậm chí đã chơi lâu nhưng chưa nắm rõ các quy luật. Signal chain là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng âm thanh của pedal vì nó quyết định cách các effect tác động lẫn nhau. Pedalboard với signal chain phù hợp sẽ giúp các effect pedal phối hợp với nhau ăn ý và cho ra những sound guitar như bạn mong muốn. 

Khi bạn muốn build 1 pedalboard hoàn chỉnh thì việc sắp xếp pedal theo đúng thứ tự là vô cùng quan trọng, một số loại signal chain cơ bản mà bạn cần biết có thể kể đến như: basic signal chain (mono & stereo), 4 cable method, ampless signal chain,... Để hiểu rõ hơn về effect order và cách áp dụng, hãy tham khảo bài viết về signal chain của Tone Lab: Pedalboard Signal Chain: Điều Đầu Tiên Cần Biết Khi Chơi Pedal?

4. Patch Cable 

Patch cable là những dây nối kết giữa các pedal, là “đường ống” truyền tải tín hiệu âm thanh từ cây đàn qua các hiệu ứng cho đến amp. Đừng bao giờ coi thường tầm quan trọng của chúng, vì chất lượng của patch cable có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ “sạch sẽ” của âm thanh. Những patch cable tốt sẽ giúp pedal tránh nhiễu từ môi trường bên ngoài, từ đó giúp pedalboard hoạt động một cách hiệu quả và không cần lo ngại về tình trạng nhiễu. Bên cạnh đó, việc chọn độ dài phù hợp cũng rất quan trọng – dây quá dài có thể làm suy giảm tín hiệu, trong khi dây quá ngắn có thể hạn chế sự linh hoạt khi di chuyển pedal. Những chiếc patch cable chất lượng được làm từ vật liệu tốt, giúp giảm tiết kiệm diện tích, linh hoạt và bền bỉ.

Việc đầu tư vào patch cable chất lượng không chỉ giúp bảo vệ dàn pedal của bạn mà còn giúp nó trở nên “sạch sẽ” ở cả phần nhìn và phần nghe. Nhắc đến patch cable chất lượng thì không thể không nhắc đến EBS Flat Patch Cable - mẫu cable được guitarist, bassist trên cả thế giới tin dùng. Tone Lab chính là nhà phân phối chính thức của EBS tại Việt Nam, các bạn có thể mua patch cable của EBS tại đây, ngoài ra với mỗi mẫu pedal được mua tại Tone Lab sẽ đều được tặng kèm 1 patch cable đến từ EBS.

5. Đừng Vội Chạy Theo Số Đông!

Một trong những sai lầm phổ biến mà các người mới chơi thường mắc phải là chạy theo xu hướng và mua những pedal đang được nhiều người săn đón, hoặc đơn giản là “thấy hay hay” nên mua. Thay vào đó, điều bạn nên làm là tập trung vào pedal phục vụ nhu cầu và phong cách riêng của bản thân. Mỗi chiếc pedal đều có một “cá tính” riêng, và miễn là nó phù hợp với đôi tay và đôi tai của bạn thì chiếc pedal đó sẽ ăn đứt hàng loạt sản phẩm thịnh hành khác.

Để lựa chọn những pedal phù hợp, sau đây là một số lời khuyên của Tone Lab:

  • Xác định mục tiêu âm nhạc: Trước khi mua, hãy tự hỏi: “Mình muốn pedal này phục vụ cho mục đích gì? Mình cần nó cho để rhythm hay solo?” Việc rõ ràng về mục tiêu sẽ giúp bạn lựa chọn được những sản phẩm phù hợp nhất.

  • Thử nghiệm và tìm hiểu: Hãy dành thời gian tìm hiểu, thử nghiệm trên các cửa hàng hoặc thông qua các video review để hiểu rõ hơn về đặc tính âm thanh của từng pedal. Các bạn có thể ghé thăm store của Tone Lab tại 06 Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh để trải nghiệm hàng chục mẫu pedal ở nhiều phân khúc và thể loại khác nhau.

  • Đầu tư có tính toán: Nếu bạn chơi analog/stompbox pedal, hãy nhớ rằng mỗi pedal chỉ cho ra một hoặc một vài effect cụ thể (chứ không quá nhiều như multi-effect), vậy nên trước khi đổ xô đi mua những pedal “độc dị”, hãy đầu tư cho bản thân đầy đủ những effect pedal cơ bản như overdrive, distortion, reverb, delay,... để pedalboard của bạn có thể phục vụ những nhu cầu cơ bản của bản thân.

Kết Luận

Trên con đường chinh phục âm nhạc với chiếc guitar điện, việc xây dựng một dàn pedal hoạt động hiệu quả đòi hỏi sự hiểu biết tường tận về nhiều yếu tố từ các loại pedal cơ bản, power supply, signal chain, patch cable và hơn thế nữa. Bài viết này là tổng hợp những lời khuyên mà ad sẽ tự đưa ra cho chính bản thân mình vào 5 năm trước khi bắt đầu mua chiếc guitar pedal đầu tiên, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích và giúp các bạn có một trải nghiệm tốt nhất với bộ môn guitar pedal!

Để trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích về guitar pedal, các bạn có thể tìm đọc chuỗi bài viết Cẩm Nang Pedal của Tone Lab tại đây: Tone Lab’s Blog - Cẩm Nang Pedal