Cẩm Nang “Pedal” #06: Modulation Cơ Bản (Chorus, Vibrato, Tremolo, Phaser, Flanger, Univibe, Rotary)

Trong thế giới guitar pedal, modulation luôn được xem là “chất xúc tác” giúp làm sống động âm thanh của chiếc guitar điện. Hôm nay, hãy cùng Tone Lab khám phá 7 loại modulation mà chúng tôi cho là cơ bản và có ứng dụng rộng rãi nhất: Chorus, Vibrato, Tremolo, Phaser, Flanger, Univibe và Rotary. Với mỗi loại hiệu ứng, chúng ta sẽ tìm hiểu cách chúng hoạt động, các thông số điều chỉnh cơ bản và gợi ý những mẫu pedal nổi bật, từ đó giúp bạn trang bị những kiến thức cần thiết để sử dụng modulation effect một cách hiệu quả.
Modulation Là Gì?
Đơn giản mà nói, modulation là hiệu ứng thay đổi các đặc tính của tín hiệu guitar theo thời gian, có 2 đặc tính cơ bản mà modulation thường tác động vào đó là pitch (cao độ) và volume (âm lượng) – tạo ra những cảm giác chuyển động, xoay tròn hay rung động độc đáo của tiếng đàn. Trên thực tế, modulation đôi lúc khá dễ lẫn lộn bởi một các effect thường “lấn chân” sang các effect khác khiến nhiều người khó phân biệt. Một ví dụ kinh điển có thể kể đến đó là Leo Fender khi ông nhầm lẫn giữa tremolo và vibrato, kết quả là tremolo arm trên các cây strat thực chất lại tạo ra hiệu ứng vibrato, còn hiệu ứng vibrato kinh điển trên những chiếc amp Fender lại thực chất là tremolo. Sau đây chúng ta sẽ cùng lần lượt tìm hiểu các loại modulation effect phổ biến.
Tremolo
Tremolo tuy đơn giản nhưng có thể nói là loại modulation đặc biệt nhất (ít nhất là trong bài viết hôm nay) vì nó chỉ làm thay đổi âm lượng của tín hiệu chứ không tác động đến cao độ như toàn bộ các effect còn lại. Một sự thật thú vị: Tremolo thực chất là mẫu effect pedal standalone đầu tiên trong lịch sử với mẫu DeArmond Tremolo Control ra mắt vào cuối những năm 1940.
-
Nguyên lý hoạt động: Để hình dung về tremolo, hãy tưởng tượng bạn đang nghe nhạc qua đài radio và liên tục xoay núm âm lượng khiến nó tăng giảm liên tục - đó chính là tremolo. Các tremolo pedal sẽ tăng giảm âm lượng của tín hiệu guitar một cách có nhịp điệu, giúp tạo ra nhiều hiệu ứng chuyển động độc đáo mà không tác động tới pitch (cao độ).
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Rate (Speed): Tốc độ “lên xuống” của âm lượng, bạn có thể cài đặt tốc độ của tremolo đồng bộ với tempo của bài hát để tạo ra hiệu ứng mượt mà hơn.
-
Depth: Mức độ biến đổi của âm lượng, từ thay đổi nhẹ nhàng tới gần như đưa âm lượng về 0 trước khi hoàn trả lại.
-
Wave (Shape): Đa số tremolo pedal sử dụng LFO (bộ dao động tần số thấp) để tạo hiệu ứng biến đổi âm lượng, và trên một số mẫu pedal bạn có thể điều chỉnh hình dạng của sóng LFO (sine, square, ramp, lumps,...). Mỗi dạng sóng LFO sẽ cho ra một chất âm đặc trưng khác nhau từ nhẹ nhàng tới hiệu ứng đầy “dramatic”.
-
Tremolo pedal đáng thử: Boss TR-2W, JHS 3 Series Harmonic Trem, Keeley Hydra.
Vibrato
Đây chính là loại hiệu ứng thường xuyên bị nhầm lẫn với tremolo. Khác với tremolo làm thay đổi âm lượng, Vibrato lại tác động trực tiếp vào pitch (độ cao thấp) của tín hiệu guitar, đơn giản là làm âm thanh dao động về cao độ.
-
Nguyên lý hoạt động: Tín hiệu được điều chỉnh cao độ theo chu kỳ, tạo ra hiệu ứng rung nhẹ và lắc lư cho các nốt. Hãy nghĩ về vibrato như cách các bạn rung cổ họng khi hát hoặc khi bạn làm kỹ thuật rung dây trên cây guitar của mình, vibrato pedal sẽ làm điều đó một cách tự động.
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Speed (Rate): Tốc độ thay đổi pitch.
-
Depth (Độ sâu): Mức độ thay đổi của pitch, từ nhẹ nhàng đến mức “biến dạng”.
-
Vibrato pedal đáng thử: Boss VB-2W, Strymon Ola, TC Electronic Shaker
Trên thực tế, vibrato thường được tích hợp và đi kèm với hiệu ứng chorus trong 1 pedal.
Chorus
Chorus có thể nói là loại modulation nổi tiếng nhất, chắc hẳn khi nhắc tới modulation, nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ đến chorus. Bên cạnh đó, chorus cũng được xem là effect thân thiện với người mới bởi nó “dễ chơi dễ trúng thưởng”, đây có lẽ là lựa chọn tuyệt vời khi bạn tìm mua chiếc modulation pedal đầu tiên.
-
Nguyên lý hoạt động: Tín hiệu gốc được chia ra, một bản được giữ nguyên và bản kia bị thay đổi nhẹ về pitch (như vibrato) đồng thời bị làm trễ đi vài mili-giây. Sự chênh lệch này tạo nên chất âm long lanh huyền ảo, đồng thời tiếng đàn trở nên dày dặn hơn như có nhiều người cùng chơi.
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Rate (Tốc độ): Điều chỉnh tốc độ modulation.
-
Depth (Độ sâu): Kiểm soát mức độ tín hiệu bị thay đổi.
-
Mix: Tỷ lệ giữa tín hiệu gốc và tín hiệu chorus.
-
Mẫu pedal đáng thử: Boss CE-2 (kinh điển), Walrus Audio Juliana, JHS 3 Series Chorus.
Phaser
Phaser là một trong nhiều loại modulation ra đời vào thập niên 70, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của guitar điện và gắn liền với những huyền thoại như Eddie Van Halen, Jimi Hendrix,... Khi sử dụng phaser, tiếng đàn của bạn sẽ có cảm giác “uốn lượn” lên xuống rất ảo diệu, giúp những câu riff và guitar solo trở nên có chiều sâu hơn (theo đúng nghĩa đen).
-
Nguyên lý hoạt động: Phaser tạo ra hiệu ứng “xoáy” đặc trưng bằng cách chia tín hiệu ra làm nhiều bản, dịch pha (phase shift) từng phần và trộn lại với nhau..
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Rate (Speed): Tốc độ dịch pha.
-
Depth: Mức độ thay đổi của pha.
-
Mẫu pedal đáng thử: MXR Phase 90, Electro-Harmonix Small Stone, BOSS PH-3
Flanger
Bên cạnh phaser thì flanger cũng là một hiệu ứng từng làm mưa làm gió trong giới guitar điện vào thập niên 70. Flanger có thiết kế khá phức tạp nhưng điều đó cũng khiến nó trở nên vô cùng đa dụng, bạn hoàn toàn có thể tạo ra âm thanh của chorus trên một chiếc flanger pedal.
-
Nguyên lý hoạt động: Tín hiệu được chia ra làm 2 phần rồi trộn lại với nhau, tuy nhiên một phần sẽ bị lệch đi cỡ 20 millisecond đồng thời bị modulated; sau khi trộn lần thứ nhất, dòng tín hiệu này sẽ quay trở lại input và tác động lên tín hiệu thêm lần nữa. Nhìn chung đó là một quy trình phức tạp, kết quả cho chất âm của flanger là một loạt tín hiệu chồng chéo lên nhau (như một chiếc sandwich vậy).
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Rate (Speed): Tốc độ của hiệu ứng, cũng như nhiều loại modulation khác, bạn có thể cài rate đồng bộ với tempo của bài hát để tạo ra hiệu ứng mượt mà hơn
-
Depth: Kiểm soát mức độ của hiệu ứng.
-
Feedback: Điều chỉnh lượng tín hiệu được tái sử dụng.
-
Wave (Shape): Điều chỉnh hình dạng của sóng LFO (giống như tremolo)
-
Mẫu pedal đáng thử: Boss BF-3 Flanger, Walrus Audio Polychrome, JHS 3 Series Flanger.
Univibe
Univibe ra đời vào cuối thập niên 60 và có thể nói là “cha đẻ” của nhiều modulation effect sau này như chorus hay phaser, bạn có thể hiểu nó vừa là chorus, phaser và cả vibrato nhưng với kết cấu phức tạp hơn nhiều. Nhắc đến Univibe thì không thể không nhắc đến guitarist đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của effect này đó là Jimi Hendrix.
-
Nguyên lý hoạt động: Tín hiệu được điều chỉnh về cả pitch và phase cùng lúc, tạo nên hiệu ứng “xoáy” đặc trưng với âm sắc ấm áp, trầm lắng và đầy “huyền bí”.
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
Rate (Speed): Tốc độ của hiệu ứng.
-
Intensity/Depth: Mức độ biến đổi âm sắc.
-
Mẫu pedal đáng thử: MXR Univibe, JHS Unicorn, EarthQuaker Devices The Depths
Rotary
Rotary mô phỏng hiệu ứng của loa Leslie – một loại loa xoay truyền thống được sử dụng cho organ, tạo ra âm thanh modulation dựa trên hiệu ứng Doppler độc đáo với cảm giác méo mó và quay cuồng cho âm thanh. Đây cũng là một trong những modulation đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, được tạo ra bởi Donald Leslie bằng cách cho chiếc cabinet xoay 360 độ liên tục.
-
Nguyên lý hoạt động: Hiệu ứng này sử dụng công nghệ mô phỏng chuyển động quay của loa Leslie để thay đổi tốc độ và độ lớn của tín hiệu, tạo ra hiệu ứng doppler và sự lan tỏa không gian âm thanh.
-
Thông số điều chỉnh cơ bản:
-
INTENSITY: Kiểm soát độ sâu của modulation – từ nhẹ nhàng cho đến mạnh mẽ, tạo nên hiệu ứng “quay cuồng” đầy mê hoặc (Có thể hiểu như núm Depth trên các mẫu chorus thông thường)
-
SPEED: Điều chỉnh tốc độ “quay” của hiệu ứng, từ chậm đến nhanh (Có thể hiểu như núm Rate trên các chiếc chorus pedal)
-
Room: Một số pedal cho phép thêm cảm giác “phòng thu” với hiệu ứng reverb tích hợp.
-
Mẫu pedal đáng thử: Strymon Lex, JHS 3 Series Rotary Chorus, Fender The Pinwheel.
Kết Luận
Modulation là một trong những hiệu ứng quan trọng giúp nâng tầm trải nghiệm của bạn với cây guitar điện, mở ra những khả năng sáng tạo vô hạn. Sau hơn 8 thập kỷ ra đời và phát triển, các modulation effect đã và đang có chỗ đứng vững chắc trong nhiều dòng nhạc và phong cách chơi khác nhau. Từ rock, metal đến r&b, pop, blues… modulation đều có thể giúp cây guitar của bạn trở nên “ảo diệu” và nổi bật hơn. Để sử dụng modulation tốt hơn, đừng ngại thử nghiệm và kết hợp các pedal modulation với nhau và với các effect khác để tạo ra những chất âm đặc trưng của bản thân.
Tìm đọc các bài viết trong chuỗi Cẩm Nang “Pedal” của Tone Lab:
Pedalboard Signal Chain: Điều Đầu Tiên Cần Biết Khi Chơi Pedal?
Cẩm nang “Pedal” #01: Overdrive - Những điều bạn cần biết khi bắt đầu
Cẩm Nang “Pedal” #02: Distortion và Những Điều Bạn Cần Biết
Cẩm Nang “Pedal” #3: Reverb - Có Những Loại Nào?
Cẩm nang "Pedal" #04: Delay và Những Gì Bạn Cần Biết
Cẩm Nang “Pedal” #05: Đơn Giản Hóa Compressor