Blog

Cẩm Nang “Pedal” #02: Distortion và Những Điều Bạn Cần Biết

Cẩm Nang “Pedal” #02: Distortion và Những Điều Bạn Cần Biết

Tiếp nối chuỗi bài viết về “Cẩm nang nhập môn pedal”, sau khi tìm hiểu về overdrive ở số trước, hôm nay Tone Lab sẽ giới thiệu đến bạn một hiệu ứng khác cũng được rất nhiều người chơi quan tâm – Distortion. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về distortion là gì, một số chất âm distortion phổ biến cũng như cách sử dụng chúng hiệu quả.

Distortion là gì?

Distortion theo từ điển được định nghĩa là “sự bóp méo” hay “sự làm méo mó”. Trong giới guitar quốc tế, từ Distortion đôi khi được sử dụng để chỉ tất cả các loại Gain Effect (Overdrive, Distortion, Fuzz) vì chúng đều mang tính chất làm “biến dạng” tiếng đàn. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy hiểu Distortion với tư cách là 1 loại effect pedal cụ thể.

Distortion là một hiệu ứng được thiết kế để tạo ra âm thanh mạnh mẽ, gai góc và đầy đặn hơn cho cây đàn guitar điện. Khi tín hiệu âm thanh được đưa qua một pedal distortion, nó sẽ được khuếch đại và clipping (có thể hiểu là cắt xén, bóp nén) một cách mạnh mẽ, nhiều hơn so với cách mà overdrive hoạt động, khiến cho âm thanh trở nên đậm, mạnh và đôi khi có chút thô ráp. Đây là hiệu ứng thường thấy và đã làm nên thương hiệu cho các thể loại nhạc như rock, metal, punk,..

Với pedal distortion, âm thanh guitar sẽ có sự “gằn” và sắc nét hơn, mang đến một âm thanh "nặng đô" và rõ ràng. Nếu bạn đến với guitar điện để tìm kiếm âm thanh mạnh mẽ giống như những tiếng đàn trong nhạc rock và metal thì distortion là một yếu tố không thể bỏ qua

Một số chất âm Distortion Pedal phổ biến

Distortion có thể nói đã có mặt trên thị trường hơn 6 thập kỷ với vô số mẫu pedal khác nhau. Cũng có tương đối nhiều cách để phân loại Distortion, chủ yếu dựa vào thiết kế mạch và phương pháp clipping của pedal. Tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng các bạn đọc đa số là guitarist chứ không phải những chuyên gia về điện tử, vậy nên Tone Lab sẽ giới thiệu đến các bạn những chất âm phổ biến để mọi người có thể tìm được một chiếc distortion pedal ưng ý.

Classic Distortion 

Đây là những mẫu distortion đầu tiên ra đời trong khoảng những năm 60 và 70, ban đầu được gọi với cái tên “Fuzz” và dần trở thành “Distortion”, chính vì thế những mẫu pedal này mang đậm chất âm distortion của dòng nhạc rock đời đầu thập niên 70 và 80. Đây là âm thanh có sự kết hợp giữa độ mạnh mẽ và độ trong trẻo, nhưng vẫn giữ lại một chút "nguyên bản" của tiếng guitar, làm cho âm thanh mạnh mẽ nhưng vẫn có độ ấm và mượt mà nhất định, âm thanh có thể bị “vỡ” như tiếng fuzz nếu đẩy gain lên quá cao.

Những tượng đài trong dòng classic distortion có thể kể đến như ProCo Rat, Boss DS-1, MXR Distortion+, EHX Big Muff,... Đây đều là những mẫu distortion kinh điển, góp phần định hình chất âm cho những huyền thoại như Metallica, Nirvana, Radiohead và rất nhiều ban nhạc cùng các tay guitar nổi tiếng khác. Thậm chí dù đã ra đời từ hàng chục năm trước nhưng dòng classic distortion vẫn giữ được sức ảnh hưởng của mình tới thời điểm hiện tại, truyền cảm hứng cho vô số mẫu distortion được ra mắt sau này.

High-gain Modern Distortion

Thời gian trôi qua, âm nhạc cũng ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, và đến giai đoạn những năm 1980 - đầu 1990, các guitarist bắt đầu muốn tìm đến những chất âm mạnh mẽ hơn, nhiều gain hơn và “hiện đại” hơn để phù hợp với những dòng nhạc như metal, thrash metal, nu-metal,... Đây có thể nói là một khởi đầu cho một chất âm distortion mới: nhiều gain hơn, nặng nề hơn với âm thanh đầy và dày, high-gain rõ ràng và sạch hơn so với chất âm classic.

Chất âm distortion hiện đại thường được gắn liền với những chiếc ampli high-gain kinh điển như Peavey 5150, Mesa/Boogie Dual Rectifier và khi đến với pedal chúng ta sẽ có mô hình amp-in-a-box, tức những pedal giả lập lại chất âm của những chiếc ampli nổi tiếng. Một số pedal xứng đáng được nêu tên như 2 mẫu ANTI 1992Knuckles ‘92 đến từ Universal Audio, Revv G3, Solar Chug pedal. Đây đều là những pedal cho ra chất âm modern distortion đúng nghĩa, phù hợp nếu bạn là một người chơi các dòng metal, progressive rock, djent hoặc sử dụng những cây guitar 7, 8 dây.

Distortion khác gì Overdrive?

Nhiều người chơi guitar, đặc biệt là những ai mới bắt đầu, thường nhầm lẫn giữa distortion và overdrive vì cả hai đều tạo ra âm thanh “bẩn”, mạnh mẽ hơn so với âm thanh clean ban đầu. Tuy nhiên, chúng có sự khác biệt rõ rệt về tính chất và ứng dụng.

    • Mức độ clipping: Overdrive thường sử dụng phương pháp soft clipping nhẹ và tự nhiên, trong khi đó  distortion lại có mức clipping mạnh hơn hay còn gọi là hard clipping, làm cho âm thanh trở nên "nặng đô" và bão hòa hơn.
    • Dynamic: Đây là cách mà âm thanh phản ứng với mức độ mạnh nhẹ khi bạn đánh đàn. Distortion nén âm thanh nhiều hơn overdrive, tạo ra một tín hiệu âm thanh đồng đều và ổn định, dù bạn chơi mạnh hay nhẹ thì âm thanh không có sự thay đổi nhiều. Ngược lại, overdrive thường phản ứng tốt với cường độ chơi của người dùng, cho phép sự biến thiên âm thanh linh hoạt hơn khi sử dụng.
    • Ứng dụng âm nhạc: Overdrive thường được dùng trong blues, rock cổ điển hoặc nhạc nhẹ, Distortion lại phổ biến trong những dòng nhạc nặng nề hơn như metal, progressive rock,...

Nếu nói một cách đơn giản, bạn có thể hiểu rằng Distortion là phiên bản mạnh mẽ, gai góc và dữ dằn hơn của Overdrive.

Một số lưu ý khi sử dụng Distortion Pedal

Khi sử dụng distortion pedal, để đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất và như ý muốn, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Tương tác với amp: Mỗi loại amp sẽ phản ứng khác nhau với pedal distortion, một mẫu distortion có thể hoạt động tốt với amp này nhưng cũng có thể dở tệ ở một chiếc amp khác. Bạn nên thử nghiệm với các loại amp khác nhau để tìm ra cách phối hợp tốt nhất cho chiếc distortion hoặc amp của bạn
  • Vị trí trong signal chain: Distortion thường được đặt ở đầu chuỗi hiệu ứng, ngay sau tuner và trước các wet effect như modulation, reverb, delay. Điều này giúp âm thanh distortion không bị ảnh hưởng bởi các hiệu ứng khác và phát huy được đúng khả năng của nó.
  • Điều chỉnh và kết hợp: Đừng quá lạm dụng gain trên chiếc distortion của mình, điều này có thể khiến âm thanh bị vỡ quá mức và mất kiểm soát. Hãy tìm một mức gain phù hợp hoặc thử kết hợp với các overdrive, boost pedal để âm thanh vừa mạnh mẽ nhưng vẫn rõ nét và có chiều sâu.

Kết luận

Có một sự thật không cần tranh cãi rằng Distortion là một trong những hiệu ứng quan trọng nhất trong thế giới guitar điện, đặc biệt đặc biệt là trong các thể loại nhạc rock, metal hay punk. Hiểu rõ về distortion không chỉ giúp bạn chọn lựa đúng loại pedal mà còn giúp bạn biết cách khai thác tối đa sức mạnh của nó trong quá trình sử dụng. Tone Lab hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản để bắt đầu khám phá và tận dụng distortion pedal.

Hãy đón đọc các số tiếp theo trong series Cẩm nang Pedal của Tone Lab để tiếp tục mở rộng kiến thức về thế giới guitar pedal!