Pedalboard Signal Chain: Điều Đầu Tiên Cần Biết Khi Chơi Pedal?

Dù bạn là một người chơi analog, stompbox hay multi-effects pedal, việc hiểu và nắm rõ các quy tắc về signal chain vẫn sẽ là cơ sở quan trọng để bạn có thể tự tạo ra những chất âm mà mình mong muốn. Hôm nay, Tone Lab sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức cơ bản mà đầy đủ về pedalboard signal chain: từ định nghĩa, khái niệm tới một số ví dụ tiêu biểu để bạn có thể ứng dụng ngay với các cục pedal của bản thân!
Signal Chain Là Gì Và Vì Sao Phải Quan Tâm Tới Nó?
Signal chain order có thể hiểu là cách sắp xếp (thứ tự, vị trí) của các cục pedal trong pedalboard, đây là kiến thức quan trọng đối với những người mới tiếp cận bộ môn guitar pedal, hoặc thậm chí đã chơi lâu nhưng chưa nắm rõ các quy luật. Signal chain là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng âm thanh của pedal vì nó quyết định cách các effect tác động lẫn nhau. Pedalboard với signal chain phù hợp sẽ giúp các effect pedal phối hợp với nhau ăn ý và cho ra những sound guitar như bạn mong muốn
Nếu bạn đang bắt đầu build pedalboard nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu thì sau đây Tone Lab sẽ liệt kê 1 số signal chain phục vụ các trường hợp sử dụng khác nhau, đây đều là những signal chain phổ biến và được đa số người chơi ủng hộ.
I. Basic Signal Chain
Đây sẽ là signal chain cơ bản và sẽ là nền tảng quan trọng cho nhiều cách kết nối khác sẽ được đề cập trong bài viết này. Signal path này sẽ được sử dụng khi bạn muốn build pedalboard để sử dụng cùng những chiếc amp của bản thân, thứ tự sẽ đi lần lượt như sau:
1. Tuner: Nếu bạn sử dụng tuner pedal, nó nên được đặt đầu tiên trong signal chain để có thể hoạt động tốt nhất. Bởi ở đó, tín hiệu sẽ đi trực tiếp từ guitar đến tuner, giúp chiếc pedal nhận tín hiệu “sạch” nhất có thể và sẽ giúp bạn tune dây chính xác hơn.
2. Dynamic Type: Đây là những pedal phụ thuộc nhiều vào dynamic để định hình chất âm, vậy nên chúng nên được ưu tiên đặt gần với guitar nhất có thể. Một số mẫu pedal có thể kể đến như compressor, filters (wah, envelope filter), pitch shifter (whammy pedal), octave, synth pedal.
3. Overdrive, Distortion: Đặt ở vị trí tiếp theo là mẫu effect đã quá quen thuộc với chúng ta: overdrive và distortion. Một điều đáng lưu ý đó là vị trí của các pedal cụ thể (vì chắc hẳn bạn sẽ có nhiều hơn 1 cục overdrive hoặc distortion), nhìn chung không có cách đúng hoặc sai, nhưng bạn nên biết việc đặt overdrive hay distortion trước có thể tác động tới chất âm khi bạn kết hợp chúng với nhau. Vậy nên cách tốt nhất là hãy trải nghiệm và tìm ra cách kết hợp yêu thích của bản thân, bởi chỉ riêng mỗi loại overdrive, distortion khác nhau khi kết hợp lại cũng sẽ cho chất âm hoàn toàn khác biệt.
4. Noise Gate: Ngay sau tất cả overdrive, distortion pedal, bạn có thể sử dụng một chiếc noise gate để triệt tiêu những tiếng noise không mong muốn.
5. EQ & Boost: Hai pedal này có thể được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong signal chain (ví dụ bạn có thể đặt boost trước overdrive và distortion). Nhưng nếu bạn muốn sử dụng EQ và boost mà không tác động nhiều tới chất âm của mình mà chỉ muốn EQ lại tổng thể hoặc gia tăng âm lượng chung, hãy đặt chúng ở cuối dry effect (sau overdrive, distortion).
6. Volume Pedal: Có hai vị trí phổ biến để sử dụng volume pedal là trước và sau dry effect. Nếu đặt volume pedal ở trước, nó có thể hoạt động như núm volume trên cây guitar của bạn, ngoài điều chỉnh volume còn có thể clean up overdrive, distortion. Ngược lại nếu đặt volume pedal ở sau, nó sẽ đóng vai trò điều chỉnh âm lượng tổng thể và không ảnh hưởng nhiều đến chất âm mà bạn đã căn chỉnh với overdrive và distortion từ trước.
7. Modulation: Chorus, flanger, phasers, tremolo,... sẽ được đặt ở vị trí tiếp theo. Trên thực tế, một số mẫu modulation như univibe, phasers hoặc flanger có thể được đặt trước overdrive và distortion. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn có kết hợp chúng với gain effect không và tùy vào chất âm bạn mong muốn là gì.
8. Reverb, Delay: Kết thúc signal chain sẽ là reverb và delay hay còn gọi chung là time-based effect. Điều mà nhiều người thường quan tâm về time-based effect đó là: nên đặt reverb trước delay hay ngược lại? Câu trả lời là như nào cũng được, reverb đi vào delay hay delay đi vào reverb đều đúng và không có vấn đề gì, mỗi cách sắp xếp sẽ cho ra một kiểu chất âm tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân.
Vừa rồi là phần thông tin cơ bản nhất nhưng lại hết sức quan trọng, dựa vào signal chain này chúng ta có thể mở rộng và phát triển thêm nhiều kiểu setup phức tạp và chuyên nghiệp hơn mà Tone Lab sẽ đề cập ngay sau đây bao gồm: 4 Cable Method và xu hướng mới Ampless Signal Chain.
II. 4 Cable Method (Sử Dụng Effect Loop, Send - Return)
4 Cable Method là cách sắp xếp signal chain sử dụng cổng effect loop (send - return) trên amp với mục đích đặt một số effect sau preamp và trước power amp. Các bạn có thể nhìn hình ở dưới và nhận thấy time-based effect là mẫu pedal được sử dụng phổ biến nhất trong effect loop, cụ thể là reverb và delay. Reverb và Delay khi được đặt trong effect loop sẽ không bị tác động bởi phần preamp, giúp tín hiệu được sạch hơn và tạo ra sự nhất quán của âm sắc, 4 cable method đặc biệt hữu ích nếu bạn sử dụng dirty amp (tức có phần preamp tạo gain).
Bên cạnh reverb và delay đã được chấp nhận rộng rãi, nhiều người cũng yêu thích sử dụng một số modulation như chorus, tremolo hay vibrato trong phần effect loop vì họ cho rằng nó giúp pedal hoạt động tốt hơn, nhìn chung nó phụ thuộc rất nhiều vào “khẩu vị” của từng người. Không chỉ có wet effect, một số mẫu pedal khác đôi lúc cũng được đặt trong effect loop như volume, EQ, boost pedal hoặc đôi lúc là cả noise gate (với cấu trúc vô cùng phức tạp). Tổng kết lại thì bạn hoàn toàn có thể đặt rất nhiều pedal khác nhau vào phần effect loop của amp, mỗi pedal sẽ cho ra một chất âm độc đáo phục vụ từng mục đích cụ thể của từng người.
III. Ampless Signal Chain
Amp/cab simulator pedal đang dần trở thành xu hướng và phát triển vô cùng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, kéo theo là rất nhiều người chơi “từ bỏ” chiếc amp truyền thống và setup một Ampless Pedalboard - có thể cắm thẳng vào mixer/FOH để sử dụng và thu âm. Để nói về lối chơi ampless, Tone Lab xin hẹn các bạn vào một bài viết khác, hôm nay chúng ta hãy chỉ nói về cách sắp xếp signal chain sử dụng amp/cab simulator pedal.
1. Setup Cơ Bản: Với setup này, bạn hãy đơn giản xem chiếc pedal đó là một chiếc amp vật lý thông thường, từ đó sử dụng đúng signal chain cơ bản mà Tone Lab đã nêu trên và chỉ cần đặt amp/cab simulator pedal ở cuối cùng, output của pedal này sẽ đi thẳng vào mixer/FOH.
2. Giả Lập 4 Cable Method: Bạn hoàn toàn có thể tái tạo lại 4 cable method trứ danh với chiếc amp/cab sim pedal yêu thích của bản thân. Mặc dù trên đa số các mẫu pedal giả lập amp hiện nay không có cổng effect loop tích hợp, bạn có thể giả lập gần như chính xác những gì sẽ xảy ra trong effect loop của một chiếc amp thông thường: đặt effect sau preamp và trước power amp. Trong trường hợp này, chiếc amp/cab sim pedal sẽ đóng vai trò là preamp và mixer/FOH đóng vai trò là power amp, vậy nên bạn chỉ cần đặt toàn bộ wet effect vào phía sau của amp/cab sim pedal là đã có thể sở hữu chất âm “chuẩn phòng thu” ngay trên pedalboard của mình
Nguyên Tắc Số 1 Là Không Có Nguyên Tắc!
Phải nhấn mạnh và làm rõ rằng những gì Tone Lab nêu trên chỉ là signal chain cơ bản và được nhiều người đồng thuận, không phải là một quy tắc cứng nhắc mà tất cả mọi người phải sử dụng. Về cơ bản, không có chuyện đúng - sai trong cách sắp xếp pedal, những nguyên tắc sắp xếp nêu trên chỉ giúp pedal hoạt động tốt nhất chứ không phải là cách duy nhất mà nó có thể hoạt động, đã không có ít huyền thoại guitarist phá vỡ những nguyên tắc sắp xếp trên và tạo ra những chất âm kinh điển. Vậy nên điều Tone Lab muốn gửi đến các bạn là hãy tuân thủ các quy tắc rồi phá vỡ nó, hãy trải nghiệm nhiều cách sắp xếp khác nhau để tìm ra chất âm phù hợp với “khẩu vị” và nhu cầu sử dụng của bản thân.
Kết Luận
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã trang bị được những kiến thức cơ bản về pedalboard signal chain và có thể tự tin build cho bản thân một bộ pedalboard thật chỉn chu. Hãy tiếp tục theo dõi Tone Lab cùng chuỗi bài viết “Cẩm Nang Pedal” để học thêm được nhiều bí quyết, kinh nghiệm và hướng dẫn hữu ích cho hành trình chinh phục bộ môn guitar pedal này nhé!
Tìm đọc các bài viết trong chuỗi Cẩm Nang “Pedal” của Tone Lab:
Cẩm nang “Pedal” #01: Overdrive - Những điều bạn cần biết khi bắt đầu
Cẩm Nang “Pedal” #02: Distortion và Những Điều Bạn Cần Biết
Cẩm Nang “Pedal” #3: Reverb - Có Những Loại Nào?
Cẩm nang "Pedal" #04: Delay và Những Gì Bạn Cần Biết
Cẩm Nang “Pedal” #05: Đơn Giản Hóa Compressor