Blog

Bolt-on vs. Set Neck: Sự Khác Biệt Là Gì?

Bolt-on vs. Set Neck: Sự Khác Biệt Là Gì?

Bolt-on neck và set neck — đây là một cuộc tranh luận đã kéo dài từ khi Leo Fender phổ biến thiết kế bắt vít để cố định cần đàn vào thân đàn ở đầu những năm 1950. Ban đầu, thiết kế bolt-on được giới thiệu như một biện pháp cắt giảm chi phí để mở rộng sản xuất guitar điện hàng loạt. Tuy nhiên, trong suốt hơn 70 năm qua, nó đã chứng minh được giá trị của mình, cho ra đời những cây đàn không thua kém bất kỳ sản phẩm thủ công set-neck tinh xảo nào. Nhưng chính xác thì sự khác biệt giữa hai thiết kế này là gì? Cả hai hẳn phải có những ưu điểm riêng nếu chúng vẫn tồn tại sau từng ấy năm. Chúng có khác biệt về chức năng không? Về cảm giác chơi đàn thì sao? Và quan trọng nhất, chúng có tạo ra âm thanh khác nhau không?

Làm Rõ Khái Niệm

Trước khi đi sâu vào những khác biệt tinh tế giữa hai loại cấu trúc neck đàn này, hãy cùng định nghĩa bolt-onset neck. Trong phần lớn lịch sử chế tác guitar, set neck là cách duy nhất để gắn thân đàn với cần đàn. Set neck yêu cầu một neck joint được người thợ làm thủ công để lắp vừa khít thân đàn với cần đàn, sau đó dùng keo để cố định hai bộ phận này với nhau. Với Bolt-on, thì cách làm cũng dựa trên nguyên tắc tạo neck joint tương tự, nhưng thay vì dán bằng keo thì phần thân và cần đàn được cố định lại với nhau bằng những con ốc kim loại.

Set neck thường có chi phí gia công đắt đỏ hơn so với bolt-on. Ví dụ, nếu so sánh một mối ghép dovetail tinh xảo hoặc khớp nối long-tenon của Les Paul với một neck pocket đơn giản của Fender, có thể thấy ngay loại nào đòi hỏi nhiều kỹ thuật và thời gian hơn để chế tác. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểu neck joint không quyết định một cây đàn là bolt-on hay set neck, mà chính cách nó được giữ cố định mới là yếu tố quyết định.

Cả hai phương pháp đều có những định kiến sai lầm do cách chúng được sử dụng trong lịch sử. Fender là hãng đầu tiên phổ biến phương pháp bolt-on cho solid-body guitar, khiến nhiều người mặc định rằng bolt-on có cấu trúc ít tinh xảo hơn. Trong khi đó, các thương hiệu như Gibson và Martin đã hoàn thiện các neck joint dovetail trước cả khi Leo Fender ra đời, làm cho set neck thường được gắn với hình ảnh các neck joint cầu kỳ. Tuy nhiên, sự phức tạp của neck joint không phải là yếu tố phân loại, mà chất âm và trải nghiệm thực tế mới là những yếu tố quyết định bạn nên chọn loại nào.

Vậy Nên Chọn Loại Nào?

Không có “người chiến thắng” tuyệt đối trong cuộc so sánh giữa bolt-on và set neck — cả hai đều là những lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thực tiễn khi chơi, bolt-on mang lại nhiều lợi ích mà set neck không có.

Dễ Dàng Thay Thế & Sửa Chữa

Điều này có vẻ hiển nhiên, với một cây đàn set neck, cần đàn gắn liền với thân đàn suốt vòng đời của nó. Nếu bạn không thích hình dạng, cảm giác chơi hoặc nếu có hỏng hóc xảy ra, việc sửa chữa có thể cực kỳ tốn kém.

Trong khi đó, với một cây đàn bolt-on, việc thay thế cổ đàn chỉ cần một chiếc tua vít. Trên nhiều dòng vintage Fender, bạn thậm chí phải tháo cổ đàn mới tiếp cận được thanh chỉnh cần (truss rod). Nếu bạn muốn đổi cần đàn có hình dạng khác, đơn giản là mua một cần mới. Nếu đầu cần bị gãy, chỉ việc thay cần đàn khác. Nếu phím đàn bị mòn, bạn cũng có thể thay cần mới thay vì phải làm lại phím.

Dễ Điều Chỉnh Góc Độ

Vấn đề này thường thấy ở những cây acoustic guitar hơn. Ví dụ, Một cây acoustic guitar với cấu trúc set neck không thể điều chỉnh góc của neck đàn, trừ những loại có sử dụng thanh chỉnh cần.

Trên các cây guitar set neck cũ, theo thời gian, neck đàn có thể bị võng xuống do lực căng của dây đàn. Nếu góc nghiêng tiếp tục xấu đi, đến một lúc nào đó, ngay cả khi đã hạ ngựa đàn thấp hết mức, dây đàn vẫn quá cao so với mặt cần. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là thực hiện neck reset—một quá trình phức tạp và tốn kém, yêu cầu tháo toàn bộ neck đàn ra và gắn lại với một góc mới.

Với một cây đàn bolt-on, việc điều chỉnh góc cổ đàn chỉ cần nới ốc và chèn một miếng shim (tấm đệm) vào. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu hiện đại như Taylor, Breedlove và Yamaha đã chuyển sang sử dụng bolt-on trên một số dòng guitar acoustic cao cấp.

Chi Phí Sản Xuất Thấp Hơn

Nhìn từ góc độ nhà sản xuất khi sản xuất hàng loạt những cây guitar ra thị trường, cấu trúc bolt-on dễ chế tác hơn set neck. Các mối nối bolt-on thường đơn giản hơn nhiều so với các mối nối dán keo, giúp giảm giá thành sản xuất.

Những Ảnh Hưởng Đến Chất Âm

Vậy thì đến với câu hỏi quan trọng nhất: chúng có ảnh hưởng đến âm thanh không?

Sustain & Resonance

Nếu hỏi bất kỳ tay guitar lão luyện nào về sự khác biệt cơ bản giữa bolt-onset neck, và gần như chắc chắn họ sẽ nhắc đến độ ngân (sustain) và độ vang (resonance). Lý do được cho là vì nhiều nghệ nhân làm đàn (luthiers) và những chơi guitar lâu năm tin rằng phương pháp dán keo để cố định là phương pháp truyền âm thanh tối ưu từ cần đàn đến thân đàn. Nếu thân đàn và cần đàn mỗi bên chiếm một nửa trong tổng thể âm sắc của đàn, thì việc đảm bảo một kết nối liền mạch giữa chúng là điều bắt buộc phải làm được.

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng cần đàn sử dụng cấu trúc bolt-on không thể tạo ra sự liên kết hoàn chỉnh như set neck, và đây là một lập luận khá khó bác bỏ nếu bạn từng nghe qua độ sustain gần như vô tận của một cây Les Paul. Hơn nữa, việc truyền âm được cải thiện trên một cây set-neck còn được cho là giúp tạo ra âm thanh ấm hơn, tròn trịa hơn. Một số cây guitar bolt-on vẫn có thể đạt được mức độ ngân và độ ấm tương đương với set-neck, nhưng đây chỉ là nhận định mang tính tổng quát.

Attack & Responsiveness

Đối với nhiều người chơi, càng có nhiều sustain thì càng tốt. Tuy nhiên, khi chọn một loại chất âm, sẽ không có khái niệm “chất âm hoàn hảo cho mọi trường hợp” — một cây Les Paul với độ sustain kéo dài vài phút chắc chắn sẽ làm hài lòng những tay guitar lead chơi rock, nhưng một guitarist chơi rhythm với các chuỗi hợp âm phức tạp lại có thể muốn một lượng sustain ít hơn để không bị lấn át trong bản phối.

Ngược lại với set neck, cấu trúc bolt-on cho người dùng một attack nhanh và âm thanh rõ ràng hơn, thường được mô tả là có độ “nảy” trong từng nốt nhạc. Điều này rất phù hợp với các dòng guitar điện theo phong cách Fender. Nhiều người chơi tin rằng chính thiết kế cần bolt-on đã góp phần tạo nên âm thanh đặc trưng của Telecaster với tiếng twang đặc trung hay độ trong trẻo và hài hòa của Stratocaster.

Kết Luận

Chất âm là một phạm trù khó để bàn luận, việc chọn bolt-on hay set neck thực sự phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Không có câu trả lời tuyệt đối cho sự khác biệt về âm thanh giữa hai thiết kế này, vì còn nhiều yếu tố khác như loại gỗ, loại bridge đàn hay loại pickup… Những thông tin trên chỉ tổng hợp tính chất của từng loại cấu trúc neck một cách khái quát nhất, nên quan trọng nhất, hãy tin vào đôi tai của bạn!