Blog

[Phần II] Gibson Les Paul: Hành trình và di sản

[Phần II] Gibson Les Paul: Hành trình và di sản

Ở phần I, Tone Lab đã cùng bạn theo dõi hành trình huy hoàng — từ sự ra đời, đỉnh cao danh vọng đến thời kỳ thoái trào của những cây Les Paul cổ điển. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong phần tiếp theo này, chúng ta sẽ tiếp tục lật mở một chương mới: khi Les Paul tưởng chừng đã rơi vào quên lãng sau những năm 60, điều gì đã kéo nó trở lại ánh hào quang? Hãy cùng Tone Lab khám phá những thăng trầm, đổi thay và cuộc hồi sinh đầy bất ngờ của cây đàn mang tính biểu tượng này.

Như đã được đề cập ở bài viết trước, Gibson vừa hoàn tất đợt mở rộng lần thứ ba cho nhà máy ở Kalamazoo, và rõ ràng là họ cần đẩy mạnh doanh số để bù đắp chi phí đầu tư. Nhìn vào thực tế bán hàng kém khả quan của dòng Les Paul, ban lãnh đạo Gibson đi đến quyết định: đã đến lúc phải tái thiết kế toàn bộ dòng sản phẩm này.

SỰ RA ĐỜI CỦA SG

Vào năm 1961, Gibson chính thức từ bỏ thiết kế truyền thống của dòng Les Paul với single cutaway và mặt top chạm khắc, để chuyển sang một thiết kế hoàn toàn mới: thân phẳng và thân đàn được cắt theo dáng double cutaway – mẫu đàn sau này được gọi là SG, viết tắt của “Solid Guitar”.

Trong giai đoạn đầu từ 1961 đến 1963, những cây đàn này vẫn được gắn nhãn "Les Paul", và ngày nay thường được gọi là SG Les Paul. Tuy nhiên, tên gọi “Les Paul” đã bị loại bỏ khỏi dòng sản phẩm SG không chỉ vì Les không thích thiết kế mới như nhiều người vẫn nghĩ, một phần khác là bởi vì hợp đồng hợp tác giữa ông và Gibson đã hết hiệu lực.

Thêm vào đó, Les Paul khi đó đang trong quá trình ly hôn với Mary Ford, và ông không muốn ký một hợp đồng mới có thể ảnh hưởng đến các điều khoản tài chính đang được phân xử. Sau này, Les cũng thẳng thắn thừa nhận rằng ông không hề yêu thích thiết kế SG – từ hình dáng, độ dày thân đàn cho đến joint nối cần đều không phù hợp với quan điểm của ông về một cây guitar điện lý tưởng.

Dù vậy, Les vẫn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và chụp ảnh quảng bá với cây SG, nhưng trong các buổi biểu diễn trực tiếp, ông luôn sử dụng những cây Les Paul cũ. Khi hợp đồng giữa ông và Gibson chính thức kết thúc, từ năm 1964 đến 1967, không có cây đàn nào được sản xuất mang tên "Les Paul".

Ba mẫu SG Les Paul được sản xuất trong giai đoạn 1961–1963 đã đạt tổng doanh số khoảng 6.000 cây, bao gồm: SG Les Paul Junior với lớp sơn cherry, SG Les Paul Standard cũng với lớp sơn cherry và SG Les Paul Custom với màu trắng đặc trưng.

Dù không còn mang tên Les Paul, nhưng SG đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng riêng trong lịch sử âm nhạc hiện đại. Eric Clapton từng sử dụng SG trong thời kỳ hoạt động cùng ban nhạc Cream. Pete Townshend của The Who cầm SG Special tại buổi biểu diễn Live at Leeds nổi tiếng với mức âm lượng kỷ lục. Tony Iommi (Black Sabbath) gắn liền với cây SG Special dành cho tay trái, và không thể không kể đến Angus Young (AC/DC), tượng đài đã làm sống lại niềm đam mê và sự yêu thích đối với cây đàn SG cho cả một thế hệ sau đó.

Tuy nhiên, doanh số tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 1965 và bắt đầu giảm dần trong phần còn lại của thập kỷ. Năm 1966, Ted McCarty rời khỏi Gibson, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong định hướng phát triển của hãng.

ERIC CLAPTON VÀ ẢNH HƯỞNG LAN RỘNG

Cũng trong thời gian đó, các tay guitar theo đuổi phong cách blues-rock tại Anh bắt đầu tìm kiếm những cây đàn từng được thần tượng của họ ở Mỹ sử dụng. Dẫn đầu là Eric Clapton, người đã mua được một cây Les Paul Burst vào tháng 5 năm 1965 khi đang chơi cùng John Mayall and the Bluesbreakers. Clapton nói chia sẻ rằng ông bị cuốn hút bởi cây Les Paul khi nhìn thấy bìa album "Let’s Hide Away and Dance Away" của Freddie King – nơi mà King cầm trên tay một cây Goldtop.

Bạn của Clapton là Andy Summers (về sau là guitarist của ban nhạc The Police) đã tìm thấy hai cây Les Paul Burst cũ nhưngvới tình như mới trong một cửa hàng ở London và tất nhiên là mỗi người mua một cây cho riêng mình. Từ đây đã khai sinh ra chất âm của cây Les Paul kết hợp với ampli Marshall được hoạt động hết công suất — một âm thanh mang tính biểu tượng và định hình cả một thời kỳ âm nhạc.

Đáng tiếc thay, cây đàn Les Paul Burst mà Clapton sử dụng trong Beano bị đánh cắp vào năm 1966, ngay khi ông chuẩn bị tập luyện cùng Cream. Clapton sau này chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn:

“Tôi chưa từng tìm lại được một cây nào hay như vậy.”

Và cho đến hôm nay, cây đàn đó vẫn chưa từng được tìm thấy.

Việc Clapton sử dụng một cây Les Paul Burst đã khiến cả giới guitar bắt đầu dậy sóng, họ đổ xô đi săn lùng những cây Les Paul Standard cũ – vốn đã ngừng sản xuất từ năm 1960. Sau khi cây Burst đầu tiên bị đánh cắp, Clapton đã chơi nhiều cây Standard khác nhau, trong đó có một cây đặc biệt – chính là cây Burst thứ hai mà ông mua lại từ Andy Summers. Clapton đã nhiều lần nài nỉ để Summers bán lại cây đàn, và cuối cùng Summers đã đồng ý.

Trên chính cây đàn này, Clapton đã thu âm bản hit "I Feel Free" của nhóm Cream, sử dụng kỹ thuật “Woman tone” - một thuật ngữ nổi tiếng gắn liền với Eric Clapton, và chính ông là người phổ biến cũng như định hình phong cách âm thanh này. Nó được tạo ra bằng cách sử dụng cần treble pickup trên một cây Les Paul, sau đó vặn nút tone xuống thấp (thường từ 3 đến 5) để làm dịu bớt các tần số cao. Kết quả là âm thanh trở nên dày, ấm, có một chút distortion nhưng rất “ngọt”, mang cảm giác mượt mà, ngân dài như giọng hát - khiến người gần như không còn nhận ra là tiếng guitar thông thường.

Trước cả Clapton, một số tay guitar nổi tiếng khác cũng đã sử dụng Les Paul. Keith Richards từng mua một cây khi The Rolling Stones lưu diễn tại Mỹ – thời điểm ông còn là tay chơi session được săn đón. Jimmy Page khi ấy cũng đang chơi một cây Les Paul Custom ba pickup tại London. Sau khi Clapton rời Bluesbreakers, Peter Green thay thế và sở hữu một cây Burst từ năm 1965 – cây đàn này đã gắn bó lâu dài với anh trong những bản thu đầu tiên của Fleetwood Mac, và sau nhiều năm, nó trở thành cây đàn huyền thoại mang tên “Greeny” - hiện được xem là một trong những cây Les Paul nổi tiếng và giá trị nhất lịch sử.

Jeff Beck, cũng bị ảnh hưởng bởi Clapton, đã mua một cây Burst khi còn chơi cùng The Yardbirds. Theo lời Beck, cây đàn ông mua là một cây ’59, được tìm thấy tại cửa hàng Selmer ở London. Bạn có thể tìm thấy chất âm từ chính cây đàn này trong album Roger the Engineer của The Yardbirds. Về sau, Beck đổi qua nhiều cây Burst khác, và đến năm 1972, ông sở hữu một cây Goldtop '50 đã được độ lại thành hai humbuckers và sơn lại với lớp finish nâu đậm – cây đàn mà Beck gọi vui là “Ox Blood”. Chính cây đàn này đã được ông dùng để thu âm album huyền thoại Blow by Blow vào năm 1974.

Tại Mỹ, Mike Bloomfield – thành viên của Paul Butterfield Blues Band và sau này là The Electric Flag – cũng nổi lên nhờ cây Les Paul. Ban đầu ông dùng Telecaster, sau chuyển sang Goldtop với pickup P-90 được sử dụng trong album East-West. Khi Butterfield lưu diễn tại Anh năm 1966, Bloomfield đã chứng kiến cả Peter Green và Clapton chơi Burst. Trở về Mỹ, ông đã mua một cây Burst vào tháng 5 năm 1967 và sử dụng nó tại lễ hội Monterey Pop. Bloomfield từng thích thú nói rằng:

“Chúng tôi – ai cũng đang chơi cùng một mẫu đàn cả.”

Tại Texas, Billy Gibbons cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi album Beano và bắt đầu hành trình săn tìm một cây Les Paul gắn humbucker. Khi được biểu diễn cùng Jeff Beck trong một buổi diễn mở màn, Beck đã chia sẻ với Gibbons sự yêu thích của mình dành cho sự kết hợp giữa Les Paul và ampli Marshall.

Mùa hè năm 1968, Billy Gibbons đã tìm thấy cây Burst định mệnh của mình – thứ sau này được biết đến với cái tên huyền thoại: “Pearly Gates.”

Ông cho rằng đó là một trong những cây Les Paul 1959 đặc biệt nhất từng được sản xuất khi tất cả yếu tố — từ chất lượng gỗ, độ căng của pickup, đến tay nghề lắp ráp vô tình kết hợp lại để tạo nên một cây đàn hoàn hảo và độc nhất.

Chính sự lan truyền mạnh mẽ từ những nghệ sĩ kể trên đã khiến nhu cầu với các cây Les Paul cổ tăng vọt. Giá thị trường của các mẫu đàn từ cuối những năm 1950 bắt đầu leo thang một cách nhanh chóng — và cuối cùng, ngay cả Gibson cũng không thể làm ngơ trước làn sóng hồi sinh Les Paul đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng guitar khắp thế giới.

Trong khi cộng đồng đang đứng ngồi không yên vì những cây Gibson Les Paul, thì chính Les Paul – người đã gần như im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm đã bất ngờ trở lại vào năm 1967 với album mới mang tên Les Paul Now. Màn tái xuất này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt âm nhạc, mà còn mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa Les Paul và Gibson.

Dù xu hướng thị trường lúc đó đang nghiêng về các mẫu Burst dùng humbucker, Gibson lại đưa ra một lựa chọn bất ngờ đó là tái phát hành hai mẫu Les Paul từng rất hiếm: mẫu Les Paul Custom sử dụng 2 pickup humbucker với ngoại hình gần như giống hoàn toàn với cây đàn “Black Beauty” biểu tượng và mẫu Goldtop sử dụng pickup P-90 cùng với Tune-o-Matic bridge. Cả hai được ra mắt tại triển lãm NAMM 1968, nơi Les Paul đích thân xuất hiện và biểu diễn với chính những cây đàn mới này.

Trong thông cáo báo chí năm đó, Gibson tuyên bố đầy dí dỏm:

“Được rồi, các bạn thắng. Chúng tôi vui mừng thông báo rằng những cây Les Paul nguyên bản đã chính thức trở lại. Hãy bắt đầu xếp hàng tại đại lý Gibson gần nhất nhé”

Đợt sản xuất đầu tiên gồm 500 cây đàn – trong đó có 400 chiếc Goldtop và 100 chiếc Les Paul Custom được khởi động ngay thời điểm diễn ra NAMM. Nhu cầu bùng nổ đến mức Gibson nhanh chóng tăng công suất lên 100 cây Les Paul mỗi ngày để đáp ứng lượng đặt hàng đang dồn dập gửi về từ các đại lý trên khắp nước Mỹ.

THỜI KỲ NORLIN VÀ NHỮNG CẢI TIẾN GÂY TRANH CÃI

Bước sang năm 1969, công ty mẹ của Gibson – Chicago Musical Instruments (CMI) – bắt đầu được mua lại bởi một tập đoàn khác. Theo thời gian, tập đoàn mới này chính thức được đặt tên là Norlin Industries, một cái tên được ghép từ tên hai nhà điều hành: Norton Stevens và Maurice Berlin.

Những nhân viên từng làm việc tại Gibson giai đoạn đó vẫn nhớ rõ sự thay đổi: từ môi trường xưởng thủ công, với những chiếc giũa gỗ và máy phay cơ khí, sang những công cụ tính toán như thước logarit và máy tính tay. Triết lý điều hành mới đặt lợi nhuận lên hàng đầu, với mục tiêu cắt giảm chi phí ở mọi khâu sản xuất. Chính điều này đã khiến chất lượng của những cây Les Paul bắt đầu sụt giảm rõ rệt, đặc biệt là từ khoảng năm 1974 trở đi. Những cải tiến không còn xuất phát từ nhu cầu âm nhạc, mà chủ yếu mang tính kinh tế.

Các cây Les Paul sản xuất trong thập niên 1970 thường có trọng lượng nặng hơn đáng kể so với những đời trước và sau đó. Có hai nguyên nhân chính: thứ nhất, loại gỗ mahogany mà Norlin nhập vào thời điểm đó nặng hơn nhiều so với loại từng được sử dụng trước đây – rất có thể là do lựa chọn rẻ hơn về chi phí. Thứ hai, cấu trúc thân đàn cũng thay đổi: từ thiết kế truyền thống với mặt top bằng maple ghép trên thân mahogany, hoặc thân hoàn toàn bằng mahogany, chuyển sang kết cấu “sandwich” – tức là thân đàn gồm hai lớp mahogany kẹp một lớp maple mỏng ở giữa.

Gibson khi ấy giải thích rằng cấu trúc mới giúp tăng độ ổn định và độ cứng cho thân đàn. Nhưng thực tế, lý do sâu xa hơn là để tận dụng những tấm gỗ mahogany mỏng hơn, nhờ có lớp maple chèn ở giữa. Trên một số cây Les Paul đời cuối thập niên 1970, bạn thậm chí có thể nhìn thấy lớp maple mỏng này hiện rõ ở đường viền thân đàn. Tuy nhiên, kết cấu “sandwich” lại gây ra hiện tượng co rút tại các mối nối gỗ, dẫn đến nhiều phản hồi tiêu cực từ phía nghệ sĩ và các đại lý bán hàng. Cuối cùng, chi phí gia công cao hơn dự kiến đã khiến Gibson phải từ bỏ thiết kế thân đàn này.

Từ khoảng những năm 1969, Gibson bắt đầu từ bỏ thiết kế cần đàn nguyên khối truyền thống để chuyển sang sử dụng cần ba mảnh bằng gỗ mahogany, và đến năm 1975 thì tiếp tục thay thế bằng cần ba mảnh bằng gỗ maple – tất cả đều nhằm mục tiêu tăng độ bền và ổn định cho cấu trúc cần đàn. Tiếp tục những thay đổi vào năm 1969, Gibson bổ sung thêm một chi tiết gọi là volute – phần gờ nổi ở mặt sau cần đàn, tại vị trí nối với đầu đàn – nhằm gia cố điểm yếu vốn nổi tiếng là dễ nứt gãy này. Góc nghiêng của headstock cũng được giảm nhẹ.

Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều người chơi guitar, những thay đổi này lại là bước thụt lùi. Họ không nhìn thấy sự cải tiến, mà chỉ thấy khoảng cách ngày càng xa giữa những cây Les Paul mới và các mẫu huyền thoại từ thập niên 1950 mà họ hằng ao ước.

Cũng trong năm 1969, Gibson tung ra mẫu Les Paul Deluxe, với thiết kế đặc trưng là pickup mini-humbucker trên những thân đàn Goldtop tái bản. Lý do chính đến từ sức ép của các đại lý – họ liên tục yêu cầu một mẫu Les Paul Standard có humbucker, với lớp sơn burst giống như những cây đàn mà Eric Clapton hay Mike Bloomfield đang sử dụng.

Vấn đề là: Gibson không được cấp ngân sách để đầu tư thiết kế lại toàn bộ hệ thống sản xuất. Vì vậy, họ buộc phải tận dụng các thân đàn Goldtop cũ vốn đã khoét sẵn cho P-90, và tìm một loại pickup humbucker có kích thước nhỏ vừa khít. May mắn thay, khi Gibson đã mua lại Epiphone từ năm 1958 và chuyển dây chuyền sản xuất về Kalamazoo – nơi họ sẵn có những mẫu mini-humbucker từ Epiphone, và đã nhanh chóng tích hợp chúng vào dòng Les Paul Deluxe.

Khi Les Paul quay trở lại hợp tác cùng Gibson, ông mang theo niềm đam mê với một loại pickup đặc biệt: pickup trở kháng thấp (low-impedance) – loại pickup cho chất âm rất sạch, ít nhiễu, lý tưởng cho việc thu âm chuyên nghiệp. Sau một thời gian thuyết phục, ông đã thành công trong việc đưa hai mẫu đàn sử dụng loại pickup này vào sản xuất: Les Paul Professional và Les Paul Personal.

Dù độc đáo về thiết kế và hướng đến người chơi chuyên nghiệp, cả hai mẫu Les Paul Professional và Personal đều không đạt được thành công về mặt doanh số. Tổng cộng, chỉ khoảng 118 cây Professional và 146 cây Personal được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1969 đến đầu thập niên 1970 – khiến chúng trở thành những mẫu đàn khá hiếm trên thị trường hiện nay.

CƠN SỐT LES PAUL CỔ ĐIỂN

Khi thập niên 1960 dần khép lại, nhu cầu đối với những cây Les Paul cổ điển – đặc biệt là các mẫu từ những thập niên 50 ngày càng tăng cao một cách mạnh mẽ. Robert Fripp, thủ lĩnh của ban nhạc King Crimson, đã mua một cây Les Paul Custom ‘50s vào năm 1968. Cùng thời điểm đó, Jimmy Page bắt đầu sử dụng cây Burst của mình thường xuyên trên sân khấu cùng Led Zeppelin. Page không chỉ ca ngợi cây đàn mới yêu thích của mình, mà còn thường xuyên nhắc đến Les Paul như một nghệ sĩ vĩ đại, khuyến khích khán giả tìm nghe các bản thu từ những năm 1940 của ông.

Bước sang thập niên 1970, trào lưu sưu tầm guitar cổ điển thực sự bùng nổ. George Gruhn, một trong những chuyên gia hàng đầu về guitar, đã viết một bài quan trọng về xu hướng này trên tạp chí Guitar Player số tháng 10/1975. Trong đó, ông khẳng định:

“Hiện tại, không có loại guitar điện nào được săn lùng nhiều hơn Les Paul.”

và nhấn mạnh rằng những cây đàn sản xuất từ 1958 đến 1960 là dòng được khao khát nhất.

Đáp lại nhu cầu thị trường, năm 1972 Gibson phát hành một phiên bản giới hạn đặc biệt: Les Paul Custom '54 Limited Edition. Đây là nỗ lực đầu tiên của hãng nhằm tái hiện lại một mẫu Les Paul cổ điển. Cây đàn sở hữu pickup P-90 ở vị trí bridge và pickup Alnico ở vị trí neck, với số seri mang tiền tố “LE” – viết tắt của Limited Edition.

Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu sưu tầm cũng dẫn đến việc xuất bản những tài liệu chuyên sâu, tiêu biểu như cuốn The Guitar Book của Tom Wheeler năm 1974, và sau đó là cuốn Gibson Electrics của A.R. Duchossoir xuất bản năm 1981 – cả hai đều trở thành tài liệu tham khảo kinh điển cho giới yêu guitar.

Trước nhu cầu ngày càng lớn, Gibson quyết định xây dựng một nhà máy mới ở vùng ngoại ô Nashville, vừa để mở rộng công suất sản xuất, vừa nhằm tránh ảnh hưởng từ các công đoàn mạnh tại Michigan. Ban đầu, hãng dự định vẫn duy trì hoạt động của cả hai nhà máy – với Kalamazoo sản xuất guitar điện và Nashville đảm nhận các mẫu guitar thùng. Tuy nhiên, mẫu acoustic mà Gibson kỳ vọng sản xuất tại Nashville lại thất bại thê thảm trên thị trường. Kết quả là toàn bộ dây chuyền sản xuất Les Paul được chuyển về nhà máy Nashville.

Tại đây, Gibson áp dụng hệ thống sản xuất hàng loạt, với khả năng gia công từng mẫu đàn theo lô lớn. Các mẫu như Les Paul Custom, Les Paul Deluxe cùng một vài dòng solid-body khác đều được đưa vào dây chuyền vận hành của nhà máy này.

Dù vậy, đến giữa thập niên 1970, trong danh mục sản phẩm của Gibson vẫn chưa có một mẫu Les Paul Standard mang lớp sơn sunburst đi kèm humbucker kích thước tiêu chuẩn, giống như những cây Burst huyền thoại. Một số người chơi vẫn có thể đặt hàng riêng từ Gibson, và vào thời điểm đó, một đại lý tại Memphis có tên Strings & Things đã đặt làm một lô 25 cây với thông số kỹ thuật rất sát với những cây Burst cuối thập niên 1950.

Cuối cùng, vào năm 1976, Gibson chính thức đưa Les Paul Standard trở lại bảng giá, với mức niêm yết 649 USD – phiên bản này có lớp sơn sunburst và trang bị đầy đủ humbucker kích thước tiêu chuẩn. Dù vậy, các thông số kỹ thuật và cảm giác chơi của cây đàn vẫn chưa đủ để thuyết phục những người đang mải miết săn tìm các mẫu Les Paul cổ điển.

Cùng giai đoạn đó, Gibson cũng tái phát hành mẫu Les Paul Special với cả hai biến thể single-cutaway và double-cutaway. Do giá của các mẫu Standard cổ điển đã tăng phi mã, dòng Special trở thành lựa chọn hợp lý hơn đối với nhiều người chơi.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã gắn bó với dòng đàn này. Leslie West của ban nhạc Mountain từng sử dụng mẫu Junior. Mick Ralphs cũng chơi Junior khi còn hoạt động cùng Bad Company. Và không thể không nhắc đến Bob Marley, người đã gắn bó với một cây Les Paul Special hai pickup trong thời gian biểu diễn cùng The Wailers.

Trong làn sóng punk của thập niên 1970, các guitarist cũng rất yêu thích sự “thô” và chân thật từ các mẫu Les Paul giá rẻ. Mick Jones của The Clash và Steve Jones của The Sex Pistols đều từng xuất hiện trên sân khấu với cây Les Paul Special – biểu tượng của sự nổi loạn trong âm nhạc và phong cách.

DÒNG HERITAGE VÀ BƯỚC ĐỆM CHO HƯỚNG ĐI MỚI

Vào năm 1979, bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) của Gibson bắt đầu thực hiện những nguyên mẫu đầu tiên cho một dòng Les Paul hoàn toàn mới. Tim Shaw, một trong những kỹ sư tham gia dự án, nhớ lại:

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghiêm túc đặt ra câu hỏi: ‘Đâu là phiên bản tốt nhất mà cây đàn này từng đạt tới? Liệu chúng ta có đang làm đúng như vậy không? Nếu không, tại sao?’”

Nhóm phát triển đã dựa trên mẫu Les Paul '54 để tạo hình cho phần mặt top, đồng thời lựa chọn thiết kế cần đàn bằng gỗ mahogany ba mảnh, loại bỏ hoàn toàn chi tiết volute gây tranh cãi, và cố gắng tái tạo lại thông số pickup sao cho gần với nguyên bản nhất. Cuối cùng, họ chọn những mặt gỗ có vân nổi bật (figured tops) – những cây đàn này sau đó được biết đến với cái tên Heritage Series Les Pauls.

Bruce Bolen, lúc đó đang làm việc tại bộ phận R&D, đã thuyết phục Norlin (công ty mẹ của Gibson) đưa dòng Heritage này vào danh mục sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là dòng sản xuất đại trà – mà được phân loại là phiên bản cao cấp giới hạn.

Dòng Heritage chính thức ra mắt năm 1980 với hai mẫu: Standard '80 và Standard '80 Elite. Trong đó, phiên bản Elite được nâng cấp với ebony fingerboard, cần đàn nguyên khối và mặt top quilted maple sang trọng. Đến năm 1981, Gibson bổ sung thêm phiên bản Heritage Standard '80 Award, được trao tặng cho các đại lý đã có doanh số tốt với dòng Heritage trong năm trước.

Dù dòng Heritage chỉ tồn tại trong vài năm, nhưng đây là một cột mốc quan trọng cho thấy Gibson bắt đầu nhìn lại chính di sản của mình để định hình hướng đi tương lai. Khi thiết kế volute bị loại bỏ hoàn toàn và thiết kế cần đàn một mảnh bằng gỗ mahogany cổ điển cũng được khôi phục.

Năm 1983, Gibson tung ra một đợt giới hạn mang tên Standard Les Paul '82 – dòng đàn này khác biệt so với Heritage ở chỗ sử dụng cần đàn nguyên khối và được sản xuất tại Kalamazoo, thay vì Nashville, giúp giữ lại phần nào tinh thần thủ công truyền thống của Gibson những năm đầu.

Một cửa hàng guitar có tên Guitar Trader tại Red Bank, New Jersey đã chủ động tiếp cận Gibson với một đề xuất đặc biệt: họ sẽ thu thập toàn bộ thông số kỹ thuật của một mẫu Les Paul Standard Sunburst cổ điển – theo đúng tiêu chuẩn mà họ cho là bản tái phát hành hoàn hảo – và yêu cầu Gibson sản xuất theo các thông số đó. Ban đầu, đội ngũ của Guitar Trader tin rằng đây sẽ là một thỏa thuận độc quyền, tuy nhiên Gibson sau đó vẫn bán một số cây đàn này cho các đại lý lớn tại Texas và California.

Theo ước tính, có khoảng 53 cây Les Paul tái bản được sản xuất theo đơn đặt hàng của Guitar Trader. Khi chính thức giới thiệu loạt sản phẩm này, họ đã quảng bá rầm rộ và thậm chí cam kết sẽ gắn pickup PAF thật (nếu còn hàng). Mỗi mặt top đều được chính đội Guitar Trader lựa chọn từ kho gỗ tại nhà máy Gibson. Ban đầu, giá niêm yết cho các cây đàn này là 1.500 USD, nhưng nhanh chóng tăng lên 2.000 USD do nhu cầu cao.

Cùng thời điểm đó, chính Guitar Trader cũng đang rao bán một cây Burst '59 nguyên bản, với mặt top vân lửa (flame top) tuyệt đẹp – với giá lên tới 7.500 USD. Một trong những người đầu tiên sở hữu cây Les Paul Reissue từ Guitar Trader chính là Brad Whitford – guitarist của ban nhạc Aerosmith.

Dù thỏa thuận giữa Guitar Trader và Gibson chỉ kéo dài hai năm, nhưng nó đã đặt nền móng cho việc biến Kalamazoo thành một “Custom Shop” thực thụ trước khi thuật ngữ này ra đời – nơi chuyên chế tác các đơn đặt hàng giới hạn, dao động từ 25 đến 100 cây đàn mỗi lô.

Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 1983, Gibson chính thức đưa ra quyết định đóng cửa nhà máy Kalamazoo. Lý do là thị trường nhạc cụ khi đó đang rơi vào khủng hoảng, trong khi các công ty Nhật Bản lại ngày càng chiếm lĩnh thị phần bằng những sản phẩm có giá cạnh tranh hơn.

Dù một số quản lý được mời về nhà máy Nashville, ba nhân vật chủ chốt gồm Jim Deurloo, Marvin Lamb và J.P. Moats đã chọn rời khỏi Gibson. Họ thuê lại một phần của nhà máy cũ và thành lập thương hiệu riêng: Heritage Guitars– một công ty vẫn duy trì phương pháp làm đàn thủ công truyền thống cho đến ngày nay.

Năm 1983, nhà máy Gibson tại Nashville đã tận dụng phần gỗ còn dư — bao gồm walnut vân nổi (figured walnut) và maple — để chế tác nên một dòng đàn đặc biệt mang tên 1983 Special Spotlight. Mặc dù chỉ có khoảng 200 cây được sản xuất, nhưng dòng đàn này mang ý nghĩa quan trọng: lần đầu tiên trong lịch sử, một cây Gibson mang logo “Custom Shop” ở mặt sau headstock.

Những thành công từ các dòng tái bản ngắn hạn trước đó như Heritage Series và loạt đàn đặt hàng từ Guitar Trader đã thôi thúc Gibson bắt đầu cho ra mắt lại các mẫu đàn mang thiết kế cổ điển, cụ thể là Standard và Goldtop, với mục tiêu làm thật đúng chuẩn như các cây đàn trong thời kỳ vàng son ở quá khứ.

Cũng trong năm 1983, Gibson giới thiệu một dòng sản phẩm hoàn toàn mới: Les Paul Studio. Mẫu đàn này được lược bỏ các chi tiết viền (binding) để giảm chi phí sản xuất, tạo ra một phiên bản Les Paul với mức giá dễ tiếp cận hơn. Chính Bruce Bolen là người đã đặt tên cho cây đàn sau khi cân nhắc kỹ, bởi ông nhận ra không có điều gì gắn liền với cái tên Les Paul hơn là… phòng thu (studio).

Trong bảng giá mùa hè năm đó, Les Paul Studio được niêm yết ở mức 699 USD. Thiết kế này cũng trải qua một số thay đổi trong quá trình sản xuất. Đợt đầu tiên sử dụng thân đàn bằng gỗ alder, nhưng do gặp khó khăn trong khâu sơn phủ, Gibson nhanh chóng quay lại với cấu trúc mahogany kết hợp maple truyền thống.

So với Les Paul tiêu chuẩn, thân của Studio mỏng hơn khoảng 1/8 inch, giúp giảm trọng lượng và chi phí gia công. Đến năm 1984, Gibson tiếp tục tung ra phiên bản có viền thân (bound body) và gọi nó là Studio Standard – được sản xuất trong vài năm sau đó như một lựa chọn nâng cấp cho dòng Studio.

Đến năm 1987, một số mẫu Les Paul Studio đã được Gibson sản xuất với ebony fingerboard, bên cạnh lựa chọn truyền thống là rosewood — tuỳ thuộc vào nguồn cung và chi phí nguyên liệu tại thời điểm đó. Những phiên bản Studio đời đầu chỉ có chấm tròn đơn giản (dot inlays), nhưng đến năm 1990, biểu tượng vương miện (Les Paul crown inlays) quen thuộc đã chính thức được đưa trở lại.

HÀNH TRÌNH TÁI HIỆN LẠI DI SẢN

Trong khi đó, vào năm 1985, tập đoàn Norlin quyết định bán toàn bộ mảng nhạc cụ của mình, trong đó Gibson là đơn vị cuối cùng được rao bán. Thương vụ được hoàn tất vào tháng 1 năm 1986. Người mua lại toàn bộ Gibson chính là Henry Juszkiewicz cùng hai đối tác, với giá trị thương vụ được tiết lộ sau đó là 5 triệu USD.

Bộ ba này là bạn học cùng lớp tại Trường Harvard cuối thập niên 1970. Henry là một tay guitar thực thụ, và từ lâu đã dành tình yêu đặc biệt cho thương hiệu Gibson. Tuy nhiên, thập niên 1980 là giai đoạn không hề dễ dàng cho những cây đàn có thiết kế cổ điển như Les Paul, và việc tiếp quản thương hiệu guitar lâu đời và biểu tượng nhất nước Mỹ vào thời điểm đó là một quyết định vô cùng táo bạo.

Ngay khi tiếp quản, Henry đã bắt tay vào hàn gắn mối quan hệ giữa Gibson và chính Les Paul, nhận thức rõ tầm quan trọng của tên tuổi ông với di sản thương hiệu.

Và rồi, khi mọi thứ tưởng chừng đang trở nên ảm đạm — thời kỳ mà những cây superstrat và guitar hình thù kỳ lạ đang thống trị — thì ban nhạc Guns N’ Roses xuất hiện vào năm 1987 với album Appetite for Destruction. Và tại rìa sân khấu, Slash hiên ngang với một cây Les Paul, tạo nên hình ảnh gợi nhớ đến một bản giao thoa giữa Jimmy Page và Joe Perry.

Chính thành công thương mại vang dội của Appetite for Destruction đã kéo theo sự bùng nổ trở lại của dòng Les Paul Standard vào cuối những năm 1980 và đầu 1990. Gibson ghi nhận mức tăng trưởng doanh số đáng kể, và nhiều người chơi trẻ tuổi  lần đầu tiên tiếp xúc với guitar qua Slash và coi Les Paul là cây đàn “mơ ước” của họ.

Trớ trêu thay, cây đàn chủ lực của Slash trong album đó không phải Gibson thật, mà là một bản sao Les Paul 1959 được chế tác bởi nghệ nhân Kris Derrig.

Slash kể lại:

“Tôi mang bản sao Les Paul này vào phòng thu, và nó trở thành cây đàn chính của tôi trong tour đầu tiên của Guns N’ Roses. Về sau, tôi có thêm một cây bản sao khác do một người tên Max làm. Cả hai cây đàn đó đã cùng tôi rong ruổi suốt năm đầu tiên trên đường.”

Thực ra, Gibson đã nhận đơn đặt hàng custom (theo yêu cầu riêng) từ tận năm 1960. Và trong đầu thập niên 1980, họ cũng đã thiết lập một bộ phận chế tác custom nhỏ nằm ở một góc của nhà máy chính tại Nashville, nhằm phục vụ những yêu cầu đặc biệt từ khách hàng hoặc đại lý. Đây chính là tiền đề cho sự hình thành của Gibson Custom Shop sau này.

Cuối cùng, vào năm 1993, Gibson chính thức thành lập Custom Shop hiện đại trong một tòa nhà nằm gần nhà máy tại Nashville. Với đội ngũ là những nghệ nhân thủ công bậc thầy, Custom Shop vận hành như một thực thể độc lập trong lòng công ty. Ban đầu, họ vẫn tiếp tục những công việc quen thuộc: sản xuất các cây đàn đặt hàng theo yêu cầu riêng lẻ và thực hiện những đợt sản xuất giới hạn theo thông số kỹ thuật chính xác của các cây Les Paul cuối thập niên 1950. Từ headstock nhỏ hơn, viền cutaway mảnh hơn, đến độ sâu mặt top — mọi chi tiết đều được phục dựng sát nhất có thể.

Trong khi giá trị những cây Les Paul Burst nguyên bản tiếp tục leo thang ngoài thị trường, một phân khúc nhỏ nhưng cao cấp đã hình thành dành cho những cây reissue từ thời hoàng kim. Chính vào thời điểm này, bộ phận Custom, Art & Historic của Gibson đã bắt đầu ghi dấu ấn mạnh mẽ.

Đây cũng là giai đoạn mà J.T. Riboloff và Tom Murphy có mặt tại Custom Shop và được “bật đèn xanh” để thu thập từng chi tiết nhỏ nhất nhằm xây dựng thông số chuẩn cho các phiên bản tái bản. Họ tiến hành đo đạc 25 cây Les Paul Burst nguyên bản từ giai đoạn 1958–1960 và nhanh chóng nhận ra rằng mỗi cây đều có sự khác biệt nhất định.

Ví dụ, sau nhiều năm nghiên cứu, họ phát hiện góc nghiêng cần đàn trên các mẫu Burst dao động từ 5.2 độ đến 4 độ. Riboloff sau này nói rằng:

“Chúng tôi nhận ra mình không chỉ đang cố tạo ra một cây đàn ‘reissue’ nữa, mà đang thực sự muốn làm một cây ‘bản sao chính xác’ – một bản replica.”

Phòng R&D của Gibson sau đó đã xây dựng hai nguyên mẫu và đem trưng bày tại NAMM Show năm 1993. Hai cây đàn đặc biệt này đã được trao tận tay Slash và Bryan Adams.

Nhận thức rằng họ đang theo đuổi sự tái tạo (replica) chứ không chỉ là tái bản (reissue), cùng với việc đã tập hợp được những nghệ nhân và kỹ sư giỏi nhất, chính là bước đột phá lớn mà Gibson đã chờ đợi từ lâu.

Từ đó đến nay, hàng loạt phiên bản tái bản đã ra đời – tái hiện từng chi tiết nhỏ nhất của các mẫu đàn nguyên bản theo từng năm. Khi kết hợp thêm kỹ thuật relic trứ danh từ Custom Shop, đôi khi bạn thậm chí khó phân biệt bản gốc và bản reissue bằng mắt thường.

Từ năm 1993 trở đi, mọi phiên bản tái bản chính thức đều được đóng dấu ink stamp, thể hiện năm sản xuất mẫu đàn được sao chép: R9 cho 1959, R8 cho 1958, R0 cho 1960, R2 cho 1952, v.v.

Cho đến nay, Gibson còn thực hiện các phiên bản đặc biệt tái tạo từ cây đàn huyền thoại của Billy Gibbons, Jimmy Page, Peter Green, Mark Knopfler, Paul Kossoff, Eric Clapton và Joe Bonamassa, cùng nhiều nghệ sĩ khác.


Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn có thể cảm nhận được chiều sâu, tầm quan trọng và bề dày lịch sử của Gibson Les Paul – một cây đàn không chỉ định hình âm nhạc hiện đại mà còn ghi dấu trong từng giai đoạn phát triển của chính hãng Gibson.