Blog

Di sản của Leo Fender

Di sản của Leo Fender

Leo Fender - một trong những cái tên được nể trọng nhất trong giới guitar. Dù không phải là một nghệ sĩ guitar, nhưng những phát minh của ông đã thúc đẩy sự phổ biến của khái niệm solid-body electric guitar trên toàn thế giới. Ngoài ra, ông cũng chính là một trong những người thiết lập tiêu chuẩn cho electric bass và amplifier. Bài viết này sẽ điểm lại cuộc đời, lịch sử và những đổi mới của một trong những người hùng được tôn vinh nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Tiểu sử và thời gian đầu của sự nghiệp

Clarence Leonidas Fender, thường được biết đến là Leo Fender, sinh ngày 10/8/1909 tại miền Nam California, giữa Anaheim và Fullerton. Từ nhỏ, Leo đã yêu thích âm nhạc và chế tạo các món đồ điện tử. Bắt đầu từ việc học piano, sau đó chuyển sang saxophone và từng chơi trong ban nhạc của trường. 

Leo tốt nghiệp Trường Trung học Fullerton Union vào năm 1928, sau đó theo học tại Cao đẳng Fullerton Junior. Trái với suy nghĩ phổ biến, ông không học kỹ thuật điện mà theo đuổi và nhận bằng ở ngành kế toán. Sau khi tốt nghiệp, Leo theo nghiệp kế toán nhưng vẫn tiếp tục thử nghiệm với niềm đam mê điện tử với điện tử. Đến năm 1938, ông mở cửa hàng Fender Radio Service tại Fullerton, nhờ khả năng thiên bẩm của ông trong lĩnh vực này đã khiến các nhạc công địa phương tìm đến nhờ sửa chữa hệ thống âm thanh PA.

Fender Electric Instrument Co., thành lập năm 1946

Ông tiếp tục sửa chữa, set-up, cho thuê và bán hệ thống âm thanh PA. Vào thời điểm này, guitar acoustic được trang bị preamp cùng với electric lap steel guitar đang bắt đầu phổ biến trong giới nhạc ở miền Nam California.

Đầu những năm 1940, Leo Fender hợp tác với Doc Kauffman, một trong những nhà phát minh và nhạc công tiên phong trong việc sáng tạo bộ pickup được sử dụng trên cây đàn Rickenbacker Frying Pan. Năm 1944, họ cùng nhau phát triển Direct String Pickup và được cấp bằng sáng chế vào năm 1948. Hai người đã quyết định thành lập K&F Manufacturing Corporation, sản xuất lap steel guitar và ampli.

Đến năm 1946, Kauffman rời công ty, và Fender đổi tên doanh nghiệp thành Fender Manufacturing, sau đó là Fender Electric Instrument Co.

Sự khởi đầu của khái niệm Solid-body Guitar

Cuối thế chiến thứ 2, hiện là thời kỳ hoàng kim của các loại archtop guitar, nhưng cùng lúc đó nhiều nghệ sĩ lại muốn có một cây đàn với mức giá tốt hơn, mỏng và bền hơn, đặc biệt sẽ không bị feedback khi sử dụng với ampli công suất cao. Nhờ đó, ông bắt đầu phát triển ý tưởng solid-body guitar. Với sự hỗ trợ của George Fullerton, ông hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên của mình vào năm 1949.

Năm 1950, Fender giới thiệu Esquire, mẫu solid-body guitar với thiết kế mỏng, dễ chơi và một pickup đơn. Sau đó, phiên bản hai pickup ra đời và được gọi là Broadcaster, nhưng nhanh chóng đổi tên thành Telecaster trong năm 1951 để tránh tranh chấp vấn đề pháp lý với Gretsch. Những cây Broadcaster được sản xuất trong quá trình kiện tụng xảy ra sẽ không có tên model cụ thể và sau này được biết đến với tên gọi Nocaster. Tuy không phải là mẫu solid-body guitar đầu tiên, nhưng Telecaster nhanh chóng trở thành một trong những mẫu solid-body guitar được yêu thích nhất hiện nay.

Năm 1954, Fender cho ra mắt Stratocaster, phiên bản nâng cấp hiện đại hơn dựa trên phản hồi của người dùng từ Telecaster. Với thiết kế solid-body giống Telecaster nhưng được bổ sung double-cutaway, ba single-coil pickup và “tremolo” bar. Stratocaster nhanh chóng trở thành mẫu guitar phổ biến nhất mọi thời đại, và tạo cảm hứng cho vô số biến thể trong suốt 7 thập kỷ tiếp theo, bao gồm cả trào lưu “superstrat” được bắt đầu vào cuối những năm 70. Đây cũng là mẫu guitar được sao chép nhiều nhất.

Trong những thập kỷ tiếp theo, Fender đã tạo ra các mẫu solid-body guitar mang tính biểu tượng khác, đáng chú ý nhất là Duo-Sonic vào năm 1959, Jazzmaster vào năm 1959, Jaguar vào năm 1962 và Mustang vào năm 1964.

Cuộc cách mạng Electric Bass

Năm 1951, Fender giới thiệu Precision Bass (hay còn gọi là P Bass), giải pháp cho các nhạc công acoustic double bass đang gặp khó khăn về vấn đề âm lượng và khả năng vận chuyển. Fender đã giải quyết cả hai vấn đề này vào năm 1951 với sự ra mắt của Precision Bass (thường được gọi là P Bass). P Bass được trang bị một single-coil pickup với bốn nam châm và thân đàn nhẹ hơn đáng kể. Thiết kế này vay mượn một số đặc điểm từ Telecaster, chẳng hạn như headstock, tấm neck plate và sử dụng domed chrome knob. Đặc biệt, các nhạc công chơi bass lần đầu tiên được trải nghiệm khả năng chơi chính xác các note nhờ thiết kế cần đàn có phím (fretted).

Năm 1957, Precision Bass được nâng cấp với một bộ hum-cancelling split-coil pickup, trở thành đặc điểm nổi bật của model đàn này và vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Mặc dù có nhiều lời đồn nói rằng P Bass là cây electric bass guitar đầu tiên ra mắt trên thị trường, thực tế không phải vậy. Tuy nhiên, nó đã đặt tiêu chuẩn cho mọi cây electric bass guitar xuất hiện sau đó.

Năm 1960, Fender tiếp tục cho ra mắt Jazz Bass (hay còn gọi là J Bass) mang đến cho người chơi một nhạc cụ gọn gàng hơn với thân đàn lấy cảm hứng từ Jazzmaster, thiết kế offset, cần đàn nhỏ gọn hơn và hai pickup single-coil.

Nếu Precision Bass nổi tiếng với âm sắc sáng, thiên về dải trung, điều mà nhiều kỹ sư thu âm đánh giá cao nhờ khả năng dễ dàng hòa quyện vào các bản phối. Thì trong khi đó, Jazz Bass lại mang đến âm thanh dày và tối hơn, được cắt 1 ít ở dải trung và sự đa dạng trong âm sắc khi được trang bị nhiều pickup hơn, phù hợp với nhiều phong cách âm nhạc hơn.

Đưa Guitar Amplifier lên một tầm cao mới

Ngoài guitar và bass, Leo Fender còn là một người tiên phong trong lĩnh vực tube amplifier với những kinh nghiệm và sáng chế của mình trong thời còn làm việc tại K&F Manufacturing. Những ampli đầu tiên dưới thương hiệu Fender Electric Instrument được chế tạo từ gỗ thừa trong nhà máy, bao gồm các phiên bản đầu tiên của Princeton 1x8”, Deluxe 1x10” và Professional 1x15”. Các mẫu ampli này, được giới sưu tầm gọi là “Woodies”, chỉ được sản xuất trong khoảng một năm, khiến các mẫu hoạt động được đến nay vô cùng hiếm và có giá trị cực kỳ cao. Sau khi ngừng sản xuất vào năm 1948, Fender bắt đầu chuyển sang dòng ampli mới được gọi là Tweed.

Dòng Tweed, nổi tiếng với lớp vỏ bọc bằng vải cotton được đan chéo nhìn giống như vải tweed. Các mẫu Tweed đầu tiên có thiết kế mặt trước giống những chiếc TV, sau đó chuyển sang thiết kế wide-panel và cuối cùng là narrow-panel. Sở dĩ có tên gọi wide-panel do mặt trước của chiếc những chiếc amp trong thời kỳ này có phần cạnh trên và dưới rộng hơn so với 2 cánh, trong khi narrow-panel có kích thước các cạnh gần như tương đương. Đây được xem là một trong những thiết kế ampli đẹp nhất của Fender. Trong kỷ nguyên Tweed, Fender cũng đã giới thiệu mạch tremolo huyền thoại của mình trên ampli Tremolux, dù sau đó hiệu ứng này được đổi tên thành “vibrato” trên các đời ampli sau.

Vào những năm đầu của thập niên 60, Dòng Tweed được ngưng sản xuất, Fender bắt đầu sử dụng một loại chất liệu cho lớp vỏ bọc, đó là Tolex - trade name của một loại nhựa tổng hợp với tính chất bền, dẻo và chống thấm nước.  Những chiếc Tolex ampli ban đầu có hai màu chính là nâu và vàng nhạt với bảng điều khiển có màu nâu, dẫn đến tên gọi phổ biến “Brownface”. Trong thời kỳ Brownface, Fender đã sáng chế cả bộ spring reverb hoạt động độc lập và ampli combo có tích hợp reverb. Sau đó là thời kỳ “Blackface”, khi Fender sử dụng loại bảng điều khiển màu đen - đây cũng là dòng ampli đặc trưng nhất của Fender. Và cuối cùng chuyển sang thiết kế “Silverface”

Fender cũng thiết kế nhiều mẫu ampli mang tính biểu tượng trong giai đoạn từ 1948 đến 1965, bao gồm Princeton, Champ, Bassman, Twin, Deluxe, Super, Tremolux, … Mỗi model sẽ có công suất cũng như tone khác nhau, mang đến sự đa dạng lựa chọn cho từng mục đích sử dụng khác nhau.

Sức ảnh hưởng của những chiếc ampli Fender không chỉ giới hạn trong các sản phẩm của hãng mà còn lan rộng và là nguồn cảm hứng của những hãng ampli lớn khác. Ví dụ, ampli JTM45 huyền thoại của Jim Marshall, được xem là khởi nguồn của hard rock và heavy metal tone, thực chất được thiết kế dựa trên bảng mạch đã được tinh chỉnh của Fender Bassman. Tương tự, mạch của Fender Princeton cũng là cơ sở cho dòng Mesa/Boogie Mark Series.

Nhờ đó, có thể nói rằng nhiều thuật ngữ hay chất âm của những chiếc ampli hiện nay, dù được lấy cảm hứng từ Fender, Marshall hay Mesa, đều bắt nguồn từ di sản của Leo Fender.

Hồi kết một chương và hành trình mới với Music Man

Đến giữa thập niên 1960, tình hình sức khỏe của Leo Fender bắt đầu xấu đi rõ rệt. Vì lý do này, ông đã buộc phải bán công ty Fender Electric Instrument Co. của mình cho Columbia Broadcasting System (hay còn gọi là CBS) trong một thỏa thuận trị giá 13 triệu USD. May mắn thay, sức khỏe của ông sau đó dần hồi phục. Năm 1971, Leo Fender tham gia tài trợ cho công ty mới của Forrest WhiteTom Walker, có tên ban đầu là Tri-Sonix, trước khi công ty này phát triển và đổi tên thành Music Man.

Trong những năm đầu hoạt động, Fender chỉ giữ vai trò là đối tác hỗ trợ tại Music Man do một điều khoản không cạnh tranh  mà ông đã ký kết với CBS. Tuy nhiên, đến năm 1975, khi điều khoản pháp lý này hết hiệu lực, Leo Fender chính thức đảm nhận vị trí chủ tịch của Music Man.

Một trong những thành tựu lớn nhất của Leo Fender trong thời gian lãnh đạo Music Man chính là sự ra đời của mẫu đàn StingRay - được lấy cảm hứng mạnh mẽ từ thiết kế của dòng Precision Bass trước đó của Fender nhưng bổ sung một loạt các tính năng sáng tạo và vượt trội hơn.

Công ty G&L Musical Instruments

Sau một tranh chấp vào năm 1979, Leo Fender chấm dứt mối quan hệ với Music Man và cùng với nhà thiết kế lâu năm của Fender, George Fullerton, thành lập công ty mới mang tên G&L Musical Instruments. Các sản phẩm của G&L chủ yếu dựa trên các thiết kế kinh điển của Fender, như Telecaster, Stratocaster, và Precision Bass, nhưng được cải tiến với các công nghệ và đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của các mẫu đàn gốc.

Leo Fender luôn tự hào về những gì ông đã đạt được tại G&L. Trong một phát biểu nổi tiếng, ông từng khẳng định: “G&L là những nhạc cụ tốt nhất mà tôi từng chế tạo”. Điều này thể hiện sự không ngừng hoàn thiện trong hành trình sáng tạo của Leo Fender, từ những thiết kế mang tính biểu tượng tại Fender Electric Instrument Co. đến việc liên tục cải tiến các mẫu đàn này tại G&L.

Huyền thoại

Leo Fender qua đời vào ngày 21 tháng 3 năm 1991, hưởng thọ 81 tuổi, do các biến chứng của bệnh Parkinson. Dù phải đối mặt với nhiều cơn đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ông vẫn không ngừng sáng tạo cho đến những giây phút cuối đời khi nguyên mẫu cuối cùng trong sự nghiệp của Leo Fender đã được hoàn thiện chính vào ngày ông qua đời.

Dấu ấn của Leo Fender trong lịch sử electric guitar là không thể đo đếm. Từ những ý tưởng đi tìm giải pháp giảm sự feedback của những chiếc Hollow-body guitar truyền thống, những thiết kế của ông đã đi vào lịch sử. Với những đóng góp của mình, Leo Fender không chỉ là một nhà phát minh mà còn là người thay đổi bộ mặt của âm nhạc hiện đại. Di sản của ông sống mãi qua các mẫu đàn huyền thoại và những thiết kế mang tính cách mạng mà ông để lại.