Phân Loại Pickup Guitar – Nên Chọn Loại Nào
Đối với những người bắt đầu tìm hiểu thêm về guitar thì sẽ có những thắc mắc về sự khác nhau của những loại pickup như: Điều gì làm cho pickup single-coil khác biệt so với humbucker? Pickup hoạt động như thế nào? Và tại sao nhiều pickup trông giống nhau nhưng lại tạo ra âm thanh hoàn toàn khác biệt?
Mặc dù hầu hết các người chơi guitar thường quan tâm đến chất âm hơn là chi tiết cách hoạt động của pickup, nên việc nắm bắt kiến thức cơ bản về cách pickup hoạt động và các kiểu dáng khác nhau sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chính xác hơn về những chiếc pickup mà bạn sẽ “độ” lên chiếc đàn của mình. Vì vậy, Tone Lab sẽ giúp bạn điểm danh những loại cơ bản nhất về pickup trong bài viết này!!
Pickup Guitar Là Gì?
Pickup là thành phần quan trọng nhất trên mọi cây guitar điện, đây cũng chính là thành phần đầu tiên trong chuỗi tín hiệu guitar của bạn. Những chiếc pickup này sẽ bắt được những rung động từ dây dàn, từ đó chuyển đổi thành tín hiệu điện để truyền đến ampli. Pickup có đa dạng về kiểu dáng cũng như chất âm. Những cây guitar điện đầu tiên thường chỉ có một đến pickup, nhưng việc sử dụng hai hoặc ba pickup đã trở thành tiêu chuẩn phổ biến đối với hầu hết các người chơi guitar hiện nay.
Do ở từng vị trí khác nhau mà dây đàn sẽ có những rung động khác nhau, từ đó dẫn đến âm thanh từ những pickup bắt được cũng sẽ khác nhau. Vì thế mà người ta thường sử dụng nhiều pickup để mang lại sự đa dạng trong chất âm.
Vậy Pickup Hoạt Động Như Thế Nào?
Hầu hết các loại pickup guitar có thể được chia thành ba thành phần cơ bản: nam châm (pole pieces, bar magnets hoặc cả hai), dây cuốn và khung cuộn dây giữ chúng lại với nhau. Chúng hoạt động chung với nhau dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ.
Ở lớp 11, có lẽ bạn đã được học qua về hiện tượng cảm ứng điện từ - nôm na là khi dây dẫn (cuộn dây) di chuyển trong một từ trường thay đổi, hoặc khi từ trường thay đổi xung quanh dây dẫn, sẽ tạo ra một dòng điện. Từ đó, ta có thể thấy cơ chế hoạt động của pickup khi nam châm được đặt gần hoặc bên trong cuộn dây nhưng được giữ nguyên vị trí, sẽ không có dòng điện được sinh ra. Nhưng khi ta đánh vào dây đàn, sự dao động sẽ làm vùng từ trường của pickup bị ảnh hưởng từ đó sinh ra dòng điện chứa thông tin về tần số và cường độ dao động của dây đàn và gửi tín hiệu đó ampli để khuyếch đại nó lên và biến đổi thành âm thanh qua loa.
Các Loại Pickup
Passive Pickups
Là loại pickup không cần nguồn điện ngoài — có thể chia thành hai loại chính: single-coil và humbucker. Tuy nhiên, ngay cả trong cùng một loại, single-coil và humbucker cũng có thể khác nhau đáng kể về âm sắc tùy theo thiết kế.
Pickup Single-coil
Pickup single-coil thường xuất hiện trên những cây guitar Fender hoặc những cây Gibson vintage, được yêu thích vì chất âm sáng, dynamic rõ ràng, attack và cảm giác nảy khi đánh. Tuy nhiên, chúng lại nổi tiếng vì tạo ra tiếng nhiễu (hum), do đặc điểm của chúng dễ bắt các trường từ lạ và nhiễu 60 Hz.
Tuy nhiên, nhiều người chơi vẫn lựa chọn pickup Single-coil do chất âm của nó, một trong những chất âm đặc trưng nhất của thế giới guitar. Từ sự “twangy” của pickup Telecaster đến sự “jangle” nổi tiếng của Rickenbacker Hi-gain, … Vì vậy, một chút tiếng nhiễu không phải là vấn đề lớn đối với những người muốn tái tạo lại những âm thanh cổ điển này.
Ngoài những mẫu single-coil phổ biến như Stratocaster và Telecaster, còn có nhiều biến thể thú vị khác như pickup Jazzmaster (không phải P-90) hoặc pickup “lipstick tube” của Danelectro.
Pickup Humbucker
Pickup humbucker được tạo ra bằng cách kết hợp hai pickup single-coil, với mục đích loại bỏ tiếng nhiễu. Hai cuộn dây thường được đấu nối tiếp, với các cực nam châm của cuộn thứ hai đảo ngược so với cuộn thứ nhất, giúp hai cuộn dây triệt tiêu noise. Thiết kế này không chỉ loại bỏ tiếng nhiễu mà còn tăng đáng kể output và mang lại chất âm ấm áp, đầy đặn hơn so với single-coil. Tiêu biểu là mẫu pickup PAF trên các mẫu vintage Les Paul.
Pickup P-90
P-90 là một loại single-coil đặc biệt, nằm giữa single-coil và humbucker về mặt âm sắc. P-90 mang đến âm thanh mạnh mẽ, đầy đặn, với dải mid rõ ràng, dải low chắc chắn và output cao hơn hầu hết các pickup single-coil khác.
Active Pickups
Active pickups khác biệt so với passive pickups ở chỗ chúng cần một bộ preamp tích hợp sẵn, yêu cầu nguồn điện ngoài để hoạt động. Nguồn điện này thường là pin 9 volt hoặc pin sạc tích hợp bên trong. Những loại pickup này cần nguồn điện là do active pickup thực chất là những pickup từ tính có đầu ra cực kỳ thấp (cả loại humbucking hoặc single-coil) nên cần 1 nguồn điện để cấp cho bộ preamp trong pickup.
Những active pickup sẽ có tín hiệu mạnh hơn, ít bị nhiễu, chất lượng âm thanh chi tiết hơn, không bị giảm chất lượng khi sử dụng qua các dây cáp dài. Ngoài ra, vì sử dụng preamp nên những chiếc pickup này thường được đi kèm với những tính năng Tone shaping bằng các cách tinh chỉnh EQ. Ví dụ, những dòng pickup Fishman, EMG, ... thường cung cấp nhiều voicing khác nhau trong pickup, mang đến sự linh hoạt chưa từng có cho người chơi guitar.
Loại Nam Châm: Alnico vs. Ceramic
Một yếu tố quan trọng khác trong cấu trúc của pickup là loại nam châm được sử dụng. Từ Alnico đến Ceramic và nhiều loại khác, các loại nam châm không bị giới hạn trong một kiểu thiết kế pickup cố định.
Alnico II
Nam châm Alnico II thường được gắn với cụm từ “vintage” trong thế giới guitar, và đúng là hầu hết các nghệ sĩ guitar đều đồng ý rằng các pickup sử dụng Alnico II mang đến một chất âm cổ điển, mượt mà và ấm áp. Đây là loại nam châm có lực từ yếu thứ hai trong các loại alnico thường dùng cho guitar, với âm trầm mở và âm cao được làm tròn trịa, không chói gắt.
Alnico III
Alnico III là loại nam châm yếu nhất trong số các loại alnico, nhưng điều đó không làm giảm giá trị âm thanh của nó. Alnico III mang đến âm cao sáng, âm trầm nhẹ nhàng và âm trung đầy đặn. Alnico III vẫn giữ được tính chất “vintage” tương tự Alnico II nhưng sắc nét và sáng hơn ở dải tần cao. Một điểm đáng chú ý là Gibson đã chọn Alnico III cho thiết kế Custombucker, một trong những phiên bản tái hiện chính xác nhất âm thanh huyền thoại của PAF humbucker từ những năm 1950.
Alnico V
Trong tất cả các biến thể của Alnico, Alnico V là loại phổ biến nhất. Nam châm này thường được sử dụng trong cả pickup single-coil và humbucker, mang đến âm trầm chắc chắn, âm trung cân bằng độ rõ nét vượt trội ở dải cao và đầu ra cao hơn hầu hết các loại alnico khác. Với output cao và mạnh, Alnico V thường được ưu tiên trong các pickup ở vị trí bridge pickup, nhưng nhiều pickup vị trí neck pickup chất lượng cao cũng sử dụng nam châm này. Dù thường xuất hiện trong các thiết kế pickup hiện đại, Alnico V đã được các thương hiệu lớn như Fender, Gibson sử dụng từ cuối những năm 1950 và đầu thập niên 1960.
Alnico VIII
Alnico VIII là một loại nam châm hiếm gặp trong pickup guitar. Nó vượt trội hơn tất cả các loại alnico khác, kết hợp sức mạnh của nam châm ceramic với sự ấm áp mà người chơi alnico yêu thích. Alnico VIII thường được sử dụng trong các ứng dụng modern metal, shred và các phong cách yêu cầu high-gain. Với khả năng phát ra âm thanh mạnh mẽ và punchy, nam châm này có tiềm năng phát triển lớn khi các nhà sản xuất tiếp tục khám phá và ứng dụng nó vào các thiết kế mới.
Ceramic
Mặc dù đôi khi bị các tín đồ của alnico chê bai, nam châm ceramic vẫn là một lựa chọn quan trọng và không thể thiếu. Trên thực tế, các pickup sử dụng nam châm ceramic thường là lựa chọn tối ưu cho người chơi metal, hard rock, và shred. Ví dụ, DiMarzio Super Distortion đã trở thành một tượng đài pickup, và hầu hết các sản phẩm active của EMG cũng sử dụng nam châm ceramic với output cực cao. Về âm thanh, các pickup nam châm ceramic thường mang lại: Phần âm trầm chặt chẽ, phần âm trung cực kỳ lực.
Việc chọn loại pickup phù hợp phụ thuộc vào phong cách chơi, dòng nhạc bạn theo đuổi và chất âm mà bạn muốn đạt được. Dù bạn mới bắt đầu chơi guitar hay đã có nhiều kinh nghiệm, việc hiểu rõ về các loại pickup và đặc tính của chúng sẽ giúp bạn có những sự lựa chọn đúng hơn đến “tone” đàn mà bạn yêu thích, từ đó nâng tầm trải nghiệm âm nhạc của mình.